Biến đất rừng thành khu du lịch
4 dự án giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, được dư luận và báo chí phản ánh thời gian gần đây gồm: Khu du lịch Biển Quê Hương; Trường mầm non Lê Quý Đôn; Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long; Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát.
Trong đó, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương, trải dài trên địa bàn 2 xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) và xã Tiến Thành (TP. Phan Thiết), được nói đến nhiều nhất trong thời gian qua. Dự án này có diện tích 12,54ha, trong đó đất xã Thuận Quý có 10,5ha còn lại là của xã Tiến Thành. Trong 12,54ha đất dự án có 7,17ha là đất rừng do địa phương quản lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016, sau đó được điều chỉnh tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 9/5/2018 và Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 17/4/2019). Dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 2590/QĐ-UBND ngày 27/9/2018, điều chỉnh tại Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 2/5/2019.
Trong các quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận về chấp thuận chủ trương đầu tư, cũng như giao đất, cho thuê đất đều ghi rõ mục đích của dự án là đầu tư các hạng mục phục vụ công cộng. Trong đó có ghi rõ: Đây là dự án đầu tư khu du lịch cộng đồng, nhằm giữ gìn bãi tắm biển công cộng dành cho người dân địa phương và du khách (miễn phí), bảo tồn và phát triển rừng dương hiện hữu.
Tuy nhiên, khảo sát tại thực địa, phóng viên nhận thấy, hiện dự án là một vùng rộng lớn nằm sát biển được rào bằng những tấm tôn kéo dài bao quanh rừng phi lao. Theo ghi nhận, suốt từ năm 2016 đến nay, khu vực này bị quây tôn kín mít, luôn có bảo vệ canh giữ, chúng tôi chỉ dừng xe để chụp ảnh đã ngay lập tức bị bảo vệ xua đuổi – vậy thì công cộng chỗ nào?
Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, nhưng sao không đấu giá?
Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương được UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Công ty cổ phần giao nhận vận tải và hoá chất Việt Nam, sau này mới lập pháp nhân mới đổi thành Công ty TNHH Biển Quê Hương để triển khai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế dự án này có tới 3 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin đầu tư, nhưng tỉnh vẫn không đưa tổ chức đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chỉ định, giao dự án cho một đơn vị triển khai. Việc tỉnh không tổ chức đấu thầu được lý giải, là khu vực kinh tế chậm phát triển nên không bắt buộc đấu thầu?
Ngoài ra, theo người dân sống gần đó cho biết, trước kia, nơi đây là rừng dương phòng hộ ven biển. Hiện nay, rừng dương tại đây đã không còn toàn vẹn vì chết khô, bị đốt, và bị chặt phá., sau này chính quyền giao lại cho doanh nghiệp để làm dự án khu du lịch.
Nói về vấn đề này,, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận, cho biết: Diện tích 7,17 ha cây phi lao nằm trong khu vực dự án được trồng từ ngân sách nhà nước, nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng qua các thời kỳ nên không phải là rừng phòng hộ.
Đây là diện tích nằm riêng lẻ tại khu vực giáp ranh, trên diện tích thuộc bãi ngang ven biển Tiến Thành - Thuận Quý. Trước đây, là bãi đất trống được UBND xã Thuận Quý và Tiến Thành bố trí trồng cây phi lao năm 1995. Theo ông Mai Kiều, qua rà soát, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 7,17 ha, đảm bảo điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Lâm nghiệp.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến tháng 7/2019, HĐND tỉnh Bình Thuận mới ban hành nghị quyết thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng sang mục đích khác, trong đó có dự án Biển Quê Hương. Nhưng hơn một năm trước, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản chuẩn bị phá khu rừng này, dù trước đó đã yêu cầu phải “bảo tồn và phát triển rừng dương hiện hữu”.
Cụ thể, tháng 4/2018, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án trồng rừng để thay thế diện tích rừng sang mục đích khác ở dự án này. Do chủ đầu tư không đủ điều kiện trồng rừng nên quyết định này, yêu cầu công ty nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để… trồng lại rừng thay thế.
Tháng 11/2019, UBND tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục ra quyết định phê duyệt giá trị bồi thường 7,17 ha rừng ở dự án trên, chỉ với giá 195 triệu đồng (tức 1.000 m2 rừng chỉ có giá 2,7 triệu đồng). Một tháng sau, UBND tỉnh đã phê duyệt bán đấu giá gần 1.000 m3 gỗ từ việc phá rừng phi lao này, với giá hơn 330 triệu đồng và như vậy toàn bộ rừng trồng hơn 20 năm tuổi đã bị triệt hạ.
Chưa nói đến chuyện đúng hay sai, vì những văn bản về “ bảo vệ rừng” và cho phép “đốn hạ rừng” của tỉnh Bình Thuận dường như “tiền hậu bất nhất”. Việc nhập nhèm cho rằng, rừng dương được trồng trên 20 năm không phải rừng phòng hộ rồi dễ dàng đánh đổi với lợi ích kinh tế cũng là một điều mà chính quyền nơi đây đã và đang triển khai.
Ngoài ra, dự án này còn nhiều vấn đề “khuất tất” cần làm rõ, Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi và tiếp tục phản ánh đến bạn đọc.