Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Bình Thuận: Chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ III

PV - 10:12, 18/02/2019

Thực hiện Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 22/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đã khẩn trương bắt tay vào công việc. Trong đó tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương đã có sự chuẩn bị khá chu đáo.

Để Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ III tổ chức thành công và chọn ra được những đại biểu tiêu biểu tham gia Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II diễn ra trong năm 2020, ngay từ cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, tỉnh lần thứ III năm 2019.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số số cấp huyện, tỉnh lần thứ II. (Ảnh TL) Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số số cấp huyện, tỉnh lần thứ II. (Ảnh TL)

Theo đó, thời gian tổ chức đại hội cấp huyện, thị, thành và cấp tỉnh là 1 ngày. Đại hội cấp huyện, thị, thành phố sẽ hoàn thành trước ngày 30/6 và đại hội cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/11. Đối với các xã, phường, thị trấn và các phòng, ban, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang cấp huyện không tổ chức đại hội mà tổ chức hội nghị bình xét, chọn cử đại biểu tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của địa phương tham dự đại hội cấp huyện theo hướng dẫn của ban chỉ đạo đại hội cấp huyện.

Đối với đại hội cấp huyện, các huyện có từ 5.000 người dân tộc thiểu số trở lên sinh sống thì tổ chức đại hội cấp huyện như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh. Còn các huyện có số người dân tộc thiểu số không đủ 5.000 người thì không tổ chức đại hội mà chỉ tổ chức Hội nghị liên tịch như Hàm Tân, Đức Linh, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết. Tại đại hội cấp tỉnh cần đảm bảo có đầy đủ đại biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú tại địa phương; thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, khoa học – công nghệ, thương mại, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tôn giáo, an ninh, quốc phòng… và đảm bảo hài hòa về cơ cấu độ tuổi.

Với chủ đề “Đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, đại hội sẽ tổng kết, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từ đại hội lần trước đến đại hội lần này; kết quả thực hiện quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp. Đồng thời, báo cáo tình hình của các tập thể, cá nhân tiêu biểu về các lĩnh vực tại đại hội và đề xuất về cơ chế, chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi giai đoạn tiếp theo.

Đại hội cũng là dịp tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn từ 2009-2019; đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2009-2019; từ đó rút ra kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây cũng là diễn đàn học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào sự đồng thuận của Nhân dân.

N,HÂN