Tại các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, mưa lớn và lốc xoáy đã làm 2 căn nhà bị sập hoàn toàn, 35 căn nhà tốc mái; khoảng 30ha tiêu, 10ha cao su, hơn 1 ha điều, 0,5ha mít bị hư hại. Tại huyện Bù Gia Mập, mưa lớn gây chia cắt giao thông trên quốc lộ 14C đoạn giáp ranh giữa xã Bù Gia Mập và xã Đắk Ơ; làm 1 căn nhà bị ngập sâu; lũ cuốn trôi 2 xe máy, 1 xuồng, 2 cầu dân sinh đi qua Tiểu khu 33 và 36 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nông lâm trường Đắk Mai, làm 14 người bị mắc kẹt hơn 10 giờ trước khi được sơ tán; lốc xoáy làm 5 căn nhà bị tốc mái, 0,5ha tiêu và hơn 3ha điều bị thiệt hại nặng nề.
Ông Trần Văn Lộc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết, huyện Bù Đăng là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đợt mưa lũ vừa qua. Cụ thể, mưa lũ đã làm 4 căn nhà bị ngập sâu, 3 căn nhà bị sạt lở, 7 chòi canh rẫy của người dân bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ gây thiệt hại 25ha cà phê; hơn 23ha điều, cao su; hơn 7ha cây ăn trái; hơn 45ha hoa màu và cây trồng khác...Về công trình xây dựng, 2 cầu dân sinh bắc qua Sông Lấp, 1 cống thoát nước, 1 cầu bê tông bị lũ cuốn trôi, 2 cống thoát nước bị ngập gây xói lở. Mưa lũ cũng cuốn trôi 13 máy dầu phục vụ tưới tiêu, 2 xe máy, 1 hệ thống năng lượng mặt trời và 1 máy phát điện của các hộ dân. Ước thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Bù Đăng hơn 7,5 tỷ đồng.
Trước tình hình thiệt hại do mưa lũ, ngày 12/8, đoàn công tác của Tỉnh ủy Bình Phước do ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu và ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có chuyến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện Bù Đăng. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế một số công trình bị hư hỏng nặng; đồng thời, trao tặng 51 phần quà, trong đó 11 phần trị giá 5 triệu đồng/phần cho các hộ bị ảnh hưởng nặng; 40 phần trị giá 1,5 triệu đồng/phần cho các gia đình thuộc 3 xã Phú Sơn, Thọ Sơn, Đoàn Kết bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mưa lũ.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đề nghị, người dân, chính quyền địa phương không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Cần thường xuyên kiểm tra, thông tin cho người dân để tránh thiệt hại về người và tài sản. Ông Lợi yêu cầu các sở, ngành, địa phương gấp rút thống kê thiệt hại về hoa màu để có biện pháp hỗ trợ kịp thời các hộ dân. Mặt khác, ngành chức năng cần làm việc với các ngân hàng để giãn nợ, giảm lãi suất, ưu tiên người dân vùng lũ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tái cơ cấu sản xuất. Về lâu dài, các huyện, thị xã cần có chính sách vận động, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ cao.
Cũng tại chuyến kiểm tra thực tế, các sở, ngành, địa phương đã đề nghị lãnh đạo tỉnh hỗ trợ huyện Bù Đăng 1 ca nô công suất lớn; xây dựng 2 cây cầu dân sinh, 1 cầu bê tông bị lũ cuốn trôi tại xã Phú Sơn giúp người dân lưu thông thuận lợi; hỗ trợ di dời 2 hộ dân sống sát bờ sông Đồng Nai thuộc địa phận xã Đăng Hà trong vùng nguy cơ sạt lở cao.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trước mắt, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan sớm khảo sát và đầu tư xây mới 2 cây cầu dân sinh bị nước lũ cuốn trôi để giúp người dân, trẻ em đi lại thuận lợi, nhất là năm học mới đang cận kề.
THANH LIÊM