Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Liêu - 2 sự kiện tạo dấu ấn đẹp nhân Kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng

Xuân Phú - 17:26, 31/12/2020

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) vừa tổ chức 2 sự kiện ý nghĩa đúng dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu (25/12/1950 - 25/12/2020)

Tôn vinh, khen thưởng 30 tập thể, 70 cá tại Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu
Tôn vinh, khen thưởng 30 tập thể, 70 cá tại Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu

Tri ân các cá nhân, tập thể tiêu biểu xuất sắc

 Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Bình Liêu được tổ chức nội bộ, gọn nhẹ nhưng trang trọng. Khách mời tham dự gồm: đại diện các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thế hệ lãnh đạo chủ chốt của huyện; cán bộ các phòng ban và Nhân đân các dân tộc tại các xã, thôn bản có thành tích tiêu biểu xuất sắc.

Với những thành tích to lớn đạt được, huyện Bình Liêu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 627 huân, huy chương cho các tập thể và cá nhân, trong đó 6 đơn vị tập thể trên địa bàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Tháng 2/2002, quân và dân huyện Bình Liêu được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 2020 huyện Bình Liêu được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Nội dung Lễ kỷ niệm được tổ chức sinh động, ý nghĩa. Hơn nửa thời gian buổi lễ dành cho chương trình vinh danh khen thưởng 70 cá nhân và 30 tập thể có những cống hiến tiêu biểu xuất sắc.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, cho biết: Cách đây 70 năm, sau chiến thắng vang dội trong Chiến dịch biên giới 1950, quân và Nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu đã đoàn kết, chung sức một lòng lên kế hoạch tấn công quân Pháp để Bình Liêu được hoàn toàn giải phóng vào ngày 25/12/1950…Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau 70 năm giải phóng, được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu đã có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 13,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 40 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, do phát huy được vai trò động lực của khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, khai thác được tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp; điều kiện khí hậu khác biệt. 

Đặc biệt, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của một miền đất có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy, khai thác mạnh mẽ, để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư đồng bộ. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, có giá trị cao và bền vững. 

Diện mạo nông thôn huyện Bình Liêu đã có nhiều đổi mới. Hiện huyện đã có 5/6 xã đủ điều kiện đạt chuẩn chuẩn Nông thôn mới; tất cả 6/6 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh với mức bình quân trên 8%/năm…

Trao đổi về việc coi trọng chương trình tri ân, khen thưởng, Bí thư huyện ủy- Dương Mạnh Cường cho biết, Huyện ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc huyện trân trọng cảm ơn các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện Bình Liêu qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam anh hùng; các tập thể, cá nhân đã có những cống hiến, đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện Bình Liêu. Qua đây, cũng nhằm động viên khích lệ toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong huyện phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chung sức, chung lòng, hăng hái thi đua lao động, sản xuất… với tất cả tâm huyết, tài năng và trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bằng hành động thiết thực, góp phần xây dựng quê hương Bình Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tưởng niệm anh linh các liệt sỹ tại đỉnh Cao Ba Lanh
Tưởng niệm anh linh các liệt sỹ tại đỉnh Cao Ba Lanh

Địa chỉ đỏ trên đỉnh Cao Ba Lanh

 Đài tưởng niệm các liệt sỹ trên đỉnh Cao Ba Lanh- cao hơn 1300 mét so với mực nước biển, được tổ chức khánh thành đúng vào ngày kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Bình Liêu (25/12).

Tại đây, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho hay: Công trình Đài tưởng niệm các anh linh liệt sỹ tại Cao Ba Lanh-xã Đồng Văn, được xây dựng trên tổng diện tích 275m2, với các hạng mục như: Đài tưởng niệm, 2 nhà bia ghi công, sân, tuyến kè bao quanh, cây xanh… với mức đầu tư 1.093 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí đầu tư từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện theo tinh thần xã hội hóa.

Cắt băng khánh thành Đài tưởng niệm các liệt sỹ trên đỉnh Cao Ba Lanh
Cắt băng khánh thành Đài tưởng niệm các liệt sỹ trên đỉnh Cao Ba Lanh

Công trình Đài tưởng niệm các liệt sỹ trên trên đỉnh Cao Ba Lanh là địa chỉ đỏ tưởng niệm 109 anh linh cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 288, Sư đoàn 395 đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Đây là công trình văn hóa, tâm linh, thể hiện truyền thống quyết tâm Bảo vệ vững chắc Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và quân, Nhân dân cả nước nói chung; Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu nói riêng. 

Đây cũng là công trình để các thế hệ mãi mãi tự hào, noi gương khí phách anh hùng của cha anh trong bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời phát huy truyền thống anh hùng của Nhân dân huyện Bình Liêu trong sự nghiệp xây dựng huyện nhà ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, văn minh.

Tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh: Công trình Tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh biên giới trên đỉnh Cao Ba Lanh là công trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ quê hương. Công trình này cũng là địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của huyện Bình Liêu cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. UBND huyện Bình Liêu đề nghị cơ quan chuyên môn của huyện có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục theo quy định, để Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại đỉnh Cao Ba Lanh trở thành điểm di tích Lịch sử văn hóa gắn liền với những điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn huyện.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.