Số ca mắc SXH tăng bất thường
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, SXH đã xuất hiện trên diện rộng ở 139 xã, phường của 11 huyện, thị trong tỉnh; tập trung tại thị xã An Nhơn (683 ca ở 15 xã, phường), huyện Hoài Nhơn (459 ca ở 17 xã, thị trấn), huyện Tây Sơn (356 ca ở 15 xã, thị trấn), thành phố Quy Nhơn (310 ca ở 21 xã, phường), Tuy Phước (284 ca ở 13 xã, thị trấn)...
Với gần 700 bệnh nhân SXH, TX. An Nhơn trở thành điểm nóng SXH của tỉnh Bình Định. Đỉnh điểm ca bệnh được xác lập ngay ở tuần thứ 3 của năm 2019 (70 ca/tuần), cao hơn đỉnh dịch tuần thứ 3 năm 2016 (68 ca/tuần). Bác sĩ Cao Văn Bảy, Phó Giám đốc TTYT TX. An Nhơn cho biết: Theo chu kỳ, SXH bắt đầu vào tháng 7-8 hằng năm, đỉnh điểm dịch rơi vào tháng 10-11 và giảm dần sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay số trường hợp mắc bệnh lập đỉnh ngay từ tháng 1, đến giờ vẫn chưa “hạ nhiệt” là một điều khá bất thường.
“Sau khi phun hóa chất diệt muỗi phòng chống SXH cho các xã, phường, số ca bệnh giảm nhưng rất chậm. Thị xã cũng đã xử lý 20 ổ dịch SXH, tăng 19 ổ dịch so cùng kỳ năm ngoái”, bác sĩ Bảy chia sẻ thêm.
Huyện Hoài Nhơn đứng sau TX. An Nhơn với 459 ca SXH. Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT huyện, tất cả các ban, ngành, địa phương đều vào cuộc xử lý SXH, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Huyện đã phun hóa chất diệt muỗi tại 25 ổ dịch và 3 khu vực nguy cơ cao; chủ động xử lý trên quy mô toàn xã tại các địa phương: Tam Quan Bắc, Hoài Hảo, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Bình Định nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có số ca mắc SXH tích lũy/100 ngàn dân cao nhất; gấp gần 5 lần số mắc cùng kỳ năm ngoái. Giám sát của Viện Pasteur Nha Trang, chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng tại Bình Định đều vượt ngưỡng, cao nhất khu vực miền Trung. “Trong 4 tuýp vi-rút gây bệnh, tuýp D2 chiếm ưu thế làm tăng mức độ cảm nhiễm và bệnh nặng hơn. Đó là nguyên nhân khiến SXH ở Bình Định tăng đột biến ttrong những tháng đầu năm”, ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định cho hay.
Dồn sức chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Bình Định chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp phòng chống SXH; khẩn trương, dồn sức thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Với điểm nóng An Nhơn, tất cả ban, ngành, địa phương phải phối hợp với ngành Y tế duy trì diệt loăng quăng 2 lần/tuần ở những nơi có ổ dịch và 2 tuần/lần ở địa bàn chưa có ổ dịch. Tổ chức từng nhóm diệt bọ gậy tại cộng đồng gồm nhân viên y tế, cán bộ thôn và các đoàn thể đến từng nhà, từng cơ quan, trường học.
Phó Chủ tịch UBND TX. An Nhơn Đào Xuân Huy nhấn mạnh, tất cả các xã, phường xác định phòng, chống SXH là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; địa phương nào để SXH bùng phát, lây lan thành dịch lớn, hoặc tử vong do chủ quan với SXH thì người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sở yêu cầu tất cả các đơn vị tăng cường giám sát bệnh nhân SXH tại cơ sở điều trị và cộng đồng; phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nặng. Phân tích diễn biến, nhận định tình hình; chủ động giám sát ổ dịch, các điểm nguy cơ, không để ổ dịch lan rộng, kéo dài. Tăng cường truyền thông, huy động sự tham gia của cộng đồng trong xử lý dịch tại địa phương.
Ngành Y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm thông tin về tình hình dịch bệnh, biết cách và chủ động tham gia phòng, chống. Sở Y tế Bình Định yêu cầu, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất để phòng chống bệnh; khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
THÀNH NHÂN