Đây là sự kiện do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức và hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Theo các tài liệu lịch sử, trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là chiến trường trọng điểm của Quân khu 5, là nơi đứng chân, hậu cứ của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Xác định được địa bàn chiến lược quan trọng của Bình Định, nên cuối năm 1965, địch đã tập trung hơn 20.000 quân Mỹ và chư hầu với 500 máy bay các loại, hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh nhằm thực hiện mục đích “tìm diệt” và “bình định”.
Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng cả ta và địch. Nếu ta có được Cao điểm 174 nghĩa là kiểm soát được một địa bàn rộng lớn của huyện Hoài Nhơn, mà quan trọng là căn cứ Đệ Đức, sân bay Thiết Đính, cầu Bồng Sơn và cụm pháo binh phía Bắc Đèo Phú Cũ; ngược lại nếu địch có được Cao điểm 174 sẽ kiểm soát và khống chế toàn bộ phía Bắc huyện Hoài Ân.
Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, Cao điểm 174 là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch. Đến tháng 11/1972, Sư đoàn 3 mở đợt tiến công tiêu diệt địch và làm chủ hoàn toàn cụm điểm tựa 174. Xét thấy tầm quan trọng của Cao điểm 174, Sư đoàn 3 đã chỉ thị cho Trung đoàn 21 xây dựng hệ thống công sự trận địa hầm hào kiên cố, điển hình là địa đạo 174.
Đến tháng 9/1974, địch tập trung lực lượng gồm Sư đoàn 22 quân lực Việt Nam Cộng hòa, Liên đoàn biệt động số 4, Liên đoàn biệt động số 6 tập trung đánh chiếm Cao điểm 174, Cao điểm 82, Núi Chéo. Có những ngày, Cao điểm 174 phải gánh chịu hơn 2.000 quả đạn, pháo các loại, 40 lượt máy bay A37 ném bom.
Đêm ngày 1 rạng sáng 2/1/1975, địch đã huy động tối đa lực lượng pháo binh, máy bay ồ ạt bắn phá tại Cao điểm 174; làm cho các công sự, trận địa của ta bị phá hủy, quân ta bị thương vong tổn thất, nên lực lượng còn lại phải vào địa đạo Cao điểm 174. Đến 11 giờ trưa cùng ngày thì cửa địa đạo bị sập, địch chiếm giữ địa đạo, khống chế và lấp chặt cửa địa đạo phía Nam, toàn bộ chiến sĩ trong địa đạo bị kẹt lại không ra được và hy sinh.
Đọc diễn văn tại Lễ truy điệu và an táng các Liệt sĩ hy sinh tại Cao điểm 174, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh bày tỏ: Sự hy sinh quả cảm của các anh đã tô thắm thêm vào trang sử vàng bất khuất của dân tộc Việt Nam, những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hương linh các anh mãi mãi “vọng tiền nhân, soi hậu thế”! Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tỉnh Bình Định hôm nay và mai sau xin tạc dạ, ghi lòng.
Đã qua 49 năm sau chiến tranh, địa hình, địa vật của chiến trường xưa có nhiều thay đổi. Các nhân chứng lịch sử người còn, người mất, do đó, việc xác định thông tin chính xác để thực hiện việc khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trở nên vô vàn khó khăn. Đó là chưa kể, hài cốt của các liệt sĩ hy sinh tại Cao điểm 174 vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất lạnh, đó là nỗi đau ray rứt, sự trăn trở của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bình Định.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các cấp, các ngành, các cựu chiến binh, đồng đội cùng Nhân dân địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiến hành huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức tìm kiếm, phát hiện địa đạo 174 (chiều rộng 1,2m; cao 1,5m; chiều dài hơn 30m), tổ chức khai quật và quy tập 7 hài cốt liệt sĩ, cùng một số di vật kèm theo, như: Giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn…
Vẫn còn đó các liệt sĩ đã hy sinh tại Cao điểm 174 cho đến nay chưa được tìm thấy hài cốt, các anh ở nơi nào hãy làm sợi dây để chúng tôi sớm được tìm thấy hài cốt của các anh, mong các anh hãy sớm trở về sum vầy bên đồng chí, đồng đội, người thân trong Nghĩa trang Liệt sĩ để chúng tôi được thường xuyên thăm viếng, hương khói.
Đến nay, hình hài xương thịt các Anh hùng Liệt sĩ năm xưa đã hòa quyện cùng mảnh đất Hoài Ân, vào cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc. Sự hy sinh của các anh đã đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân, để lại cho mảnh đất Hoài Ân anh dũng, kiên cường, nơi đã sản sinh ra Sư đoàn 3 Sao Vàng Anh hùng hôm nay.
Thời gian đã trôi qua 49 năm, việc tìm được hài cốt của các anh luôn là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định, phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với những hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
"Kể từ hôm nay, các anh đã được trở về với đồng đội của mình ở Nghĩa trang liệt sỹ xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Với tất cả lòng thành kính và tri ân sâu sắc, chúng ta cùng nguyện cầu cho anh linh các anh được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng. Tổ quốc ta, Nhân dân ta mãi mãi ghi công. Tên tuổi của các Anh hùng Liệt sĩ đời đời bất diệt", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.