Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bình Định: Sạt lở núi Trang Dài, vùi lấp rừng sản xuất và ruộng lúa

PV - 19:30, 30/12/2021

Vụ sạt lở đã vùi lấp 3 ha đất rừng sản xuất của người dân dưới chân núi; gây sa bồi thủy phá 3 ha ruộng lúa, hoa màu của người dân ở hai thôn Phú Lâm và Phú Mỹ (xã Tây Phú).

Khu vực sạt lở (Ảnh: TTXVN)
Khu vực sạt lở (Ảnh: TTXVN)

Ngày 30/12, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cho biết, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo tại khu vực núi Trang Dài thuộc thôn Phú Lâm (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) bị sạt lở nghiêm trọng trong những ngày qua do mưa lớn.

Do ảnh hưởng đợt mưa lớn từ ngày 26/12 đến nay, khu vực núi Trang Dài đã xảy ra một điểm sạt lở kéo dài trong nhiều ngày. Diện tích sạt lở khoảng 3ha thuộc khu vực rừng khoanh nuôi tái sinh với khối lượng đất đá trên 2.000m3.

Vụ sạt lở đã vùi lấp 3 ha đất rừng sản xuất của người dân dưới chân núi; gây sa bồi thủy phá 3 ha ruộng lúa, hoa màu của người dân ở hai thôn Phú Lâm và Phú Mỹ (xã Tây Phú), khiến người dân chưa thể sản xuất được trong vụ Đông Xuân năm 2021-2022.

Ông Trần Quang Thân (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú) cho biết gia đình ông có 2.000 m2 đất lúa chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân. Sạt lở núi Trang Dài đã khiến toàn bộ diện tích bị sa bồi thủy phá; trong đó, lớp đất đá dày gần 0,5m đã vùi lấp ruộng khiến gia đình ông không thể sản xuất được.

Với lượng đất đá quá lớn, gia đình không thể khắc phục được, ông Thân mong chính quyền địa phương hỗ trợ máy móc để san gạt, làm lại mặt bằng.

Lớp đất đá dày hơn 1m vùi lấp rừng sản xuất dưới chân núi. (Ảnh: TTXVN)
Lớp đất đá dày hơn 1m vùi lấp rừng sản xuất dưới chân núi. (Ảnh: TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tây Phú Nguyễn Văn Thành, trong đợt mưa lớn cuối tháng 11 vừa qua, khu vực núi Trang Dài đã bắt đầu sạt lở nhưng với khối lượng ít.

Đến đợt mưa lớn cuối tháng 12 này, do mưa lớn, nơi đây tiếp tục sạt lở với lượng đất đá và bùn đất tràn xuống dưới chân núi nhiều hơn, gây thiệt hại rừng sản xuất, ruộng lúa và hoa màu của nhiều người dân.

Nguyên nhân sạt lở núi Trang Dài được xác định là do mưa lớn kéo dài qua nhiều đợt đã làm cho kết cấu đất đá nơi này rời rạc. Cùng với đó là do người dân khai thác rừng sản xuất đã gây hổng chân núi. Vị trí sạt lở thuộc rừng khoanh núi tái sinh, được trồng từ trước năm 2000.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân xã Tây Phú đã thông báo trên loa phát thanh để cảnh báo người dân không đến khu vực này để khai thác rừng trồng cũng như chăn thả gia súc. Sau khi hết mưa lụt, địa phương sẽ tiến hành trồng rừng lại khu vực sạt lở và giúp người dân khắc phục sa bồi thủy phá để tiếp tục sản xuất.

Vụ sạt lở núi Trang Dài đã khiến tuyến đường liên xã cách núi 2 km bị vùi lấp đất đá dày gần 0,5 m. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng cho phương tiện đến san gạt, đảm bảo giao thông thông suốt./.

Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.