Triển khai từ năm 2021 - 2025 tại các xã nghèo miền núi tại tỉnh Bình Định, Dự án 8 đã để lại những dấu ấn đậm nét - đó là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách sống của những phụ nữ DTTS. Nhờ Dự án 8, phụ nữ DTTS đang dần bước ra khỏi những định kiến trói buộc, họ không chỉ được tiếp cận kiến thức, mô hình kinh tế mà còn tìm thấy tiếng nói, vị thế và khát vọng của chính mình.
Tính đến nay, Bình Định đã thành lập 120 Tổ truyền thông cộng đồng, vượt 13% so với chỉ tiêu, với sự tham gia của 1.337 thành viên là những Người có uy tín và có năng lực truyền thông tại các thôn thực hiện Dự án, trong đó có 818 nam giới - minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng.
Các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trình bày thông điệp của mìnhKhông chỉ dừng lại ở tuyên truyền, Dự án 8 được các cấp Hội tỉnh Bình Định triển khai còn đi sâu vào trao quyền và nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS. Các mô hình sinh kế nhỏ, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ được hình thành, thúc đẩy sự tự tin, chủ động về tài chính. Hơn 1.000 phụ nữ đã được tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cũng từ Dự án này, 22 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã ra đời, thu hút hơn 700 thành viên là học sinh, thanh thiếu niên DTTS - thế hệ tương lai của bản làng. Không chỉ sinh hoạt văn hóa, các em còn tham gia vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực học đường, từ đó hình thành tư duy công bằng, nhân văn ngay từ trong ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, Dự án 8 do các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bình Định triển khai còn tạo ra diễn đàn để phụ nữ và trẻ em DTTS cất lên tiếng nói, góp phần phản biện và giám sát chính sách tại địa phương. Đã có 49 cuộc đối thoại chính sách được tổ chức, tạo cơ hội để người dân trực tiếp bày tỏ nguyện vọng, hiến kế cho chính quyền. Trong đó, phụ nữ và trẻ em không chỉ là người nghe mà còn là chủ thể tích cực - điều hiếm thấy trước đây ở những cộng đồng vốn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng trọng nam, khinh nữ.
Sự thay đổi mạnh mẽ này còn được tiếp sức từ việc trang bị kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới cho hơn 2.000 lượt cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản, giúp chính quyền các cấp nhận diện và xử lý tốt hơn các vấn đề giới trong hoạch định và thực thi chính sách.
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định Phùng Thị Ngọc Tuyết, một trong những tác động đáng kể nhất mà Dự án 8 mang lại chính là việc thay đổi tư duy, nếp nghĩ cố hữu về vai trò, vị trí của người phụ nữ trong cộng đồng DTTS. Không còn bị bó buộc trong những khuôn mẫu định kiến giới, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn, các câu lạc bộ, tổ truyền thông cộng đồng - nơi họ được lắng nghe, chia sẻ và khơi dậy nội lực của chính mình.