Thu hồi chỗ này, dung túng chỗ kia
Ngày 17/10/2016, UBND tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 4654 thông báo chấm dứt việc tận thu đá tại phía Đông núi Hòn Chà đối với ba doanh nghiệp Công ty TNHH Xuân Nguyên; Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phú (DNTN); Công ty CP Đá granite Phú Minh Trọng.
Thế nhưng có một nghịch lý là, cũng vào năm 2016, UBND tỉnh Bình Định lại chấp thuận cho Công ty TNHH Nông Trại Xanh-KCN Phú Tài mở rộng mặt bằng diện tích 9.086,7m2 về phía Đông núi Hòn Chà, nâng tổng diện tích mặt bằng Nhà máy sản xuất viên nén của Công ty là 31.282,2m2 tại Văn bản số 5712 ngày 12/12/2016.
Sau khi có được chủ trương này, Công ty TNHH Nông Trại Xanh không tiến hành xây dựng mở rộng mặt bằng, mà tổ chức đục, đẽo đá, biến 9.086,7m2 thành công trường khai thác đá trái phép.
Tiếp đến ngày 30/5/2018, ông Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký Văn bản số 3078, đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Nông Trại Xanh chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất quy hoạch cây xanh sang đất sản xuất và bổ sung thêm diện tích 13.035m2 phía Đông núi Hòn Chà vào ranh giới KCN Phú Tài, với mục tiêu sử dụng là đất sản xuất để mở rộng mặt bằng nhà máy của Công ty TNHH Nông Trại Xanh. Việc tỉnh Bình Định ưu ái cho Công ty này, khiến cho dư luận đang đặt nhiều câu hỏi và ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác.
Gây thiệt hại cho doanh nghiệp
Một trong những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất do quyết định thu hồi mỏ đá của UBND tỉnh Bình Định là DNTN Thiên Phú. Năm 2008, DNTN Thiên Phú bắt đầu đi vào hoạt động với chuyên ngành sản xuất đá Granite tại KCN Phú Tài theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 15/7/2008 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định.
Dù DNTN Thiên Phú đã có đầy đủ thủ tục để hoạt động và hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. Thế nhưng, vào cuối năm 2016, trong lúc đang triển khai dự án, thì DNTN Thiên Phú nhận được quyết định tạm dừng hoạt động san lấp, tận thu đá để trồng cây xanh, UBND tỉnh Bình Định trực tiếp đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp. Song, đã hai năm trôi qua, DNTN Thiên Phú phải dừng hoạt động nhưng vẫn chưa nhận được Quyết định đền bù thiệt hại của UBND tỉnh Bình Định.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Thử, chủ DNTN Thiên Phú cho hay: Kể từ khi thông báo thu hồi dự án, doanh nghiệp chúng tôi lâm vào cảnh bế tắc, doanh nghiệp đổ vốn đầu tư xây dựng nhà máy hàng trăm tỷ đồng, kèm theo hàng trăm công nhân lâm cảnh khổ sở vì mất việc làm. Chúng tôi mong UBND tỉnh Bình Định sớm giải quyết thỏa đáng cho người dân và doanh nghiệp.
“Hai năm qua, chúng tôi phải gồng gánh nuôi hàng trăm công nhân, mỗi tháng phải trả trên 170 triệu đồng cho ngân hàng. Bởi vậy, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đứng bên bờ phá sản. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Định nhưng vẫn không được xem xét giải quyết”, bà Thử thông tin thêm.
Có thể nói, những quyết định của UBND tỉnh Bình Định về việc thu hồi và cấp phép khai thác đá tại khu vực núi Hòn Chà thời gian qua, chưa đảm bảo sự công tâm, khiến dư luận và doanh nghiệp bức xúc làm ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Mong rằng, UBND tỉnh Bình Định sớm có câu trả lời thỏa đáng cho doanh nghiệp.
Hai năm qua, chúng tôi phải gồng gánh nuôi hàng trăm công nhân, mỗi tháng phải trả trên 170 triệu đồng cho ngân hàng. Bởi vậy doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đứng bên bờ phá sản. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh Bình Định nhưng vẫn không được xem xét giải quyết...(Bà Đào Thị Thử, chủ DNTN Thiên Phú).
LÊ PHƯƠNG