Nhằm giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nâng cao kiến thức về pháp luật, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các buổi tuyên truyền và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của những già làng, Người có uy tín để việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả hơn.
Theo Sở Tư pháp Bình Định, toàn tỉnh hiện có khoảng 400 Tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Họ là những già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư... tham gia tích cực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Họ thường xuyên được tham gia tập huấn, phổ cập các kiến thức về pháp luật. Là người sinh sống tại địa phương, cùng chung ngôn ngữ, gần gũi với bà con, am hiểu về các phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương nên đội ngũ già làng, Người có uy tín thuận lợi tiếp cận, tuyên truyền và vận động bà con tuân thủ pháp luật, xây dựng gia đình hòa thuận, cộng đồng đoàn kết.
Ông Thanh Văn Huấn, Người có uy tín làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh cho biết: Nhiều năm làm công tác hòa giải, tôi nhận thấy có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp dẫn tới ẩu đả xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật. Những mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn chủ yếu là tranh chấp tài sản, tranh chấp đất đai. Để người dân tin và nghe theo, tôi phải nghiên cứu kỹ các bộ luật liên quan, nắm chắc nội dung cốt lõi để giảng giải cho người dân nắm chắc và làm theo. Những hôm đi rẫy, tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi ngồi chuyện trò cùng mọi người, phổ biến những quy định mới của pháp luật để người dân biết.
Còn ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Chi bộ làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh cho hay: Thời gian gần đây, nhiều thanh thiếu niên tập trung rượu chè say sưa, thậm chí dẫn đến xô xát đánh nhau. Trước tình hình trên, tôi cùng những Người có uy tín khác tới nhắc nhở từng trường hợp, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham dự của đông đảo bà con để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng gia đình. Sau khi hiểu rõ, chúng tôi thuyết phục gia đình giáo dục con em mình, đồng thời đề xuất lãnh đạo địa phương có phương án giúp thanh niên có việc làm ổn định. Từ đó, tình hình an ninh, trật tại địa phương cũng được đảm bảo.
Tương tự, già làng Xâu Zoon ở thôn 7, xã An Vinh, huyện An Lão cho hay, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương đã gặt hái được nhiều thành công. Đối với bà con, mình phải nói sao cho có cái lý, cái tình thì bà con mới “ưng cái bụng”. Thành công lớn nhất của những Tuyên truyền viên pháp luật không chuyên như chúng tôi là nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Chúng tôi không chỉ giúp bà con hiểu luật, sống theo pháp luật mà còn động viên họ tích cực tham gia các phong trào, công tác xã hội tại địa phương.
Trong khi đó, già làng Đinh Biên ở thôn M1, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh lại có cách làm riêng để giúp bà con am hiểu pháp luật. Theo già Biên, những mâu thuẫn thường gặp do thiếu hiểu biết pháp luật của bà con hiện nay chủ yếu là tranh chấp đất đai, quyền thừa kế... “Vì không hiểu biết về Luật Đất đai, pháp luật về thừa kế nên anh em trong gia đình, dòng họ thường xảy ra xích mích, dẫn đến làm đơn khởi kiện. Nắm được tình hình, mình cùng những Người có uy tín trong làng làm công tác hòa giải, giải thích cặn kẽ những quy định của pháp luật về thừa kế để người dân biết và làm theo, không nên tranh chấp gây mất tình cảm”, già Biên chia sẻ thêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 121 Người có uy tín tại 121 thôn, làng, khu phố vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, họ có những đóng góp thiết thực trong việc vận động bà con phát triển kinh tế, chấp hành pháp luật, đặc biệt là vận động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ông Đinh Văn Thải, dân tộc Ba Na, Người có uy tín làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh chia sẻ: Trong các cuộc họp tại nhà văn hóa, tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng cách nêu những tác hại, hệ lụy. Ban đầu, bà con không nghe, bỏ về hoặc không quan tâm; song bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, tôi vẫn kiên trì vận động, dần dần người dân cũng quan tâm và làm theo.
Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Người có uy tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân am hiểu pháp luật và ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho Người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đời sống cộng đồng.