Triển khai nhiều giải pháp
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bình Định, từ năm 2008, tỉnh đã triển khai việc dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học DTTS. Việc này đã được Phòng GD&ĐT các huyện miền núi nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa thật sự như mong muốn nên ngành Giáo dục Bình Định tiếp tục tìm kiếm thêm giải pháp.
Đầu năm 2018, Sở GD&ĐT Bình Định đã tổ chức Hội thảo tăng cường việc dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học DTTS toàn tỉnh. Hội thảo này được tổ chức hàng năm và được xem là một trong những nỗ lực tìm kiếm giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS. Bởi có hơn 50 lãnh đạo, chuyên viên, giáo viên các huyện, trường có học sinh DTTS cùng tập hợp lại để dự các tiết dạy mẫu và cùng nhau bàn bạc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương mình, có lãnh đạo Sở GD&ĐT tham dự, tiếp thu và giúp tháo gỡ những khó khăn.
Ngoài ra, ngành Giáo dục tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp khác như tổ chức cho trẻ mầm non và tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho trẻ phát triển và sử dụng tiếng Việt. Hàng năm, Sở GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng riêng cho giáo viên dạy các lớp có trẻ DTTS. Bên cạnh đó, các trường tiểu học đã duy trì việc dạy tăng thời lượng tiếng Việt, dạy tăng cường tiếng Việt theo hướng tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục và các hoạt động ngoại khóa...
Phổ cập tiếng Việt cho trẻ em DTTS
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3222/QĐ-UBND về việc triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025”, đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, 98% trẻ người DTTS ở độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt. Ngoài mục tiêu trên, Đề án còn đặt ra một số mục tiêu khác như: đến năm 2020, cấp học mầm non có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ. Đặc biệt là, 100% trẻ đã đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non phải được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Đến năm 2025, có ít nhất 40% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 99% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo và 100% trẻ đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non phải được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Ở cấp tiểu học, hàng năm, 100% học sinh người DTTS được tăng cường tiếng Việt.
Bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng DTTS được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt; được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng tiếng DTTS tại địa phương để giao tiếp, giáo dục học sinh; cha mẹ học sinh là người DTTS được hướng dẫn, bồi dưỡng phương pháp tăng cường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, 100% các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh người DTTS cần tăng cường tiếng Việt được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm, tài liệu, học liệu, đồ dùng phục vụ dạy học.
Thực tế hiện nay cho thấy, khó khăn trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS vẫn còn nhiều, đơn cử như: cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, khả năng của giáo viên còn hạn chế, sự quan tâm của phụ huynh hay cả nỗ lực của học sinh chưa đến nơi đến chốn… Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh chia sẻ: Để học sinh tiếp thu và quen dần với tiếng Việt, các cô giáo lớp 1 nên học và biết ngôn ngữ của dân tộc học sinh mình, ít nhất là những mẫu câu giao tiếp thông thường để có thể vận dụng cả hai ngôn ngữ trong bài giảng, trong giao tiếp với học sinh.
Ngoài ra, cần phải có kiến thức cơ bản về phong tục tập quán của dân tộc học sinh, như vậy mới có kết quả tốt và bền vững. Điều này đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của giáo viên, đặc biệt giáo viên các lớp mẫu giáo làm sao gần gũi các em và dạy các em làm quen với tiếng Việt.
LÊ PHƯƠNG