Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Bình Định: Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi bị tố cáo nhiều sai phạm

Lê Phương - 10:10, 24/09/2019

Vừa qua, Báo Dân tộc và Phát triển nhận được đơn tố cáo về những sai phạm của bà Võ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Lê Lợi, TP. Quy Nhơn (Bình Định). Điều đáng nói là, những sai phạm này đã kéo dài nhiều năm, đơn tố cáo gửi nhiều lần nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý thỏa đáng, gây bức xúc trong dư luận.

Bình Định: Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi bị tố cáo nhiều sai phạm

Ông Lâm Vịnh (áo kẻ) người đứng đơn tố cáo trong buổi cung cấp thông tin cho báo chí.

Ký hợp đồng lao động cho viên chức

Theo đơn tố cáo của ông Lâm Vịnh, giáo viên Trường TH Lê Lợi, dưới thời bà Võ Thị Hồng làm hiệu trưởng để xảy ra tình trạng đối xử rất bất công và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, từ năm 2018 trường TH Lê Lợi tổ chức ăn trưa tại trường. Khi tuyển bộ phận bảo mẫu, bà Bùi Thị Hồng đã ký hợp đồng lao động với bà N.T.K.Th và B.T.N.L. Thời gian làm việc của bảo mẫu từ 7 giờ - 8 giờ sáng và từ 9 giờ 30 sáng - 14 giờ chiều (tổng số giờ làm việc trong ngày là 5,5 giờ/ngày). Mức lương chính là 33,33 ngàn đồng/giờ.

Điều đáng nói là, bà Th và bà L hiện vẫn đang là viên chức của nhà trường. Bà Th là nhân viên thư viện và bà L là giáo viên thể dục. Rõ ràng việc ký hợp đồng lao động cho viên chức không những là ưu ái mà còn vi phạm luật lao động. Bởi theo bản hợp đồng này, cô TH và cô L sẽ được hưởng 2 lương cùng một lúc nhưng không thể đảm bảo công việc trong cùng một thời điểm. Bởi việc làm bảo mẫu trùng với giờ hành chính và sẽ không thể thực hiện được công việc chuyên môn.

Không những vậy, bà Võ Thị Hồng đã nhiều lần ký hợp đồng lao động với cô Trần Thị Thúy Hằng, nhưng không thực hiện việc đóng BHXH theo quy định.

“Cầm đèn chạy trước ô tô”

Trong đơn tố cáo của giáo viên, bà Hồng còn nhận học sinh trái tuyến vào trường khi chưa có quyết định của cấp trên. Chẳng hạn như, năm học 2019-2020, theo quy định tại Công văn số 280/GDĐT-TH ngày 3/6/2019 của Phòng GD&ĐT TP. Quy Nhơn thì, địa bàn tuyển của trường TH Lê Lợi là toàn bộ trẻ em đúng 6 tuổi có hộ khẩu thường trú tại phường Lê Lợi. Việc tuyển học sinh trái tuyến (không có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở địa bàn trường tổ chức tuyển sinh) chỉ được tiến hành sau khi còn chỉ tiêu và phải được UBND thành phố cho phép.

Song, theo Công văn số 280/GDĐT-TH thì phải đến chiều ngày 8/8/2019 Phòng GD&ĐT TP. Quy Nhơn mới duyệt kết quả xét tuyển học sinh vào lớp 1 trường TH Lê Lợi (xét duyệt kết quả tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú tại phường khác). Thế nhưng, bà Võ Thị Hồng đã tự ý phát hành và thu nhận hồ sơ tuyển học sinh trái tuyến vào trường từ tháng 7/2019. Như vậy, bà hồng đã “cầm đèn chạy trước ô tô”, không cần xét duyệt, không cần được cấp trên cho phép, Hiệu trưởng đã tự cho phép mình toàn quyền quyết định việc tiếp nhận, phân bổ học sinh trái tuyến vào các lớp 1.

Bên cạnh đó, việc phân công giáo viên đứng lớp, bà Hồng cũng rất bất thường. Cụ thể, các khối lớp 2,3,4 và 5, sau khi có danh sách học sinh từng lớp, giáo viên của khối lớp tự bốc thăm để làm chủ nhiệm lớp. Riêng khối lớp 1 thì bà Võ Thị Hồng dùng quyền hiệu trưởng để chỉ định giáo viên chủ nhiệm từng lớp, điều này khiến cho nhiều giáo viên trong trường cảm thấy bất bình.

Chưa dừng lại ở đó, giáo viên Trường TH Lê Lợi còn phản ánh, trong một thời gian dài, bà Võ Thị Hồng đã ký hợp đồng sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường dưới hình thức “chào giá, chỉ định thầu” với duy nhất một đơn vị, là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Văn Phong, có địa chỉ tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn. Dư luận đang cho rằng, bà Hồng đã “ưu ái” cho đơn vị này nhận sửa chữa bàn ghế cho trường trong nhiều năm qua?

Trao đổi với chúng tôi về đơn tố cáo những sai phạm của Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi, ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Quy Nhơn cho rằng: Nếu cô Võ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi tự ký hợp đồng lao động cho viên chức làm bảo mẫu, cũng như tự ý tuyển học sinh trái tuyến trước khi được cấp trên cho phép là sai quy định. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu có sai phạm sẽ kiên quyết xử lý”, ông Nam khẳng định.

Được biết, những lá đơn tố cáo sai phạm trong công tác quản lý của bà Hồng đã kéo dài nhiều năm, khiến cho giáo viên và cả phụ huynh học sinh bức xúc và để lại nhiều hệ lụy không tốt cho ngành giáo dục. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định nhanh chóng kiểm tra, xác minh, làm rõ và có giải pháp kịp thời.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!