Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Biết chữ đã khó, giữ chữ càng khó hơn

PV - 10:17, 08/02/2018

Theo số liệu của Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cả nước hiện vẫn còn khoảng 2 triệu người mù chữ. Trong khi đó, số người đi học xoá mù chữ rất ít, số người tham gia xóa mù chữ nhưng “tái mù” cũng đang là thực trạng đáng báo động.

Gian nan xóa mù

Không biết tự bao giờ, cái tên Cổng Trời được người dân xứ Thanh gọi mỗi lần lên xã Trung Lý. Đây là điểm cao nhất và cũng là cửa ngõ lên huyện vùng cao biên giới Mường Lát, nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa. Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, Trung Lý đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã vẫn chiếm 72,9% theo chuẩn nghèo đa chiều; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 13 triệu đồng/người/năm.

Lớp học xóa mù chữ cho bà con tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Lớp học xóa mù chữ cho bà con tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Một trong những chỉ số đo lường về tình trạng nghèo ở Trung Lý là chỉ số tiếp cận thông tin. Không phải Trung Lý chưa có điện, chưa được phủ sóng phát thanh-truyền hình mà là vì một bộ phận không nhỏ người dân ở đây chưa biết tiếng phổ thông. Mù chữ nên dù có tivi, có ra-đi-ô, có sách báo, bà con cũng chẳng thể tiếp cận.

Chị Cư Thị Xâu, một người dân ở bản Khằm 1, cho hay: “Nhà cũng có tivi, đi nương về cũng xem qua một tí. Nhưng chỉ xem hình thôi, không hiểu”.

Ấy là bản Khằm 1 còn gần, chỉ cách trung tâm xã 15 cây số. Còn những bản xa xôi hơn thì sao? Toàn xã Trung Lý có 1.213 hộ, với 5.993 nhân khẩu (dân tộc Mông chiếm tỷ lệ 58,7% dân số) sinh sống tại 16 thôn bản. Trong đó, bản gần trung tâm xã nhất là 7km, bản cách trung tâm xã xa nhất là 48km.

Theo ông Quách Văn Mỵ, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là đẩy mạnh công tác xóa mù chữ. Kết quả thì cũng có đấy, nhưng “gieo chữ” đã khó, việc giúp bà con “giữ chữ” lại càng gian nan hơn. Không ít người sau khi “tốt nghiệp” lớp xóa mù chữ, do trong sinh hoạt chỉ sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình nên số lượng từ phổ thông ít ỏi học được cứ rơi rụng dần.

Như chị Cư Thị Xâu, đầu tháng 6/2017 có tham gia lớp xóa mù chữ do Trung tâm Giáo dục cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý tổ chức. Lúc đó, Xâu đã nghe, nói được vài câu tiếng Việt. Nhưng sau đó lớp học phải tạm hoãn vì trùng với thời gian thu hoạch vụ lúa, hết vụ lúa thì lại vào mùa mưa lũ, địa hình chia cắt, khó đi... Sau nhiều tháng gián đoạn, cuối tháng 10, lớp xóa mù “khai giảng” trở lại. Xâu cũng đến lớp, nhưng “vốn liếng” đã để lại trên nương, trên rẫy; chị phải học lại từ đầu.

Hành trình tìm con chữ của Cư Thị Xâu cũng gian nan như chặng đường thoát đói nghèo của xã Trung Lý. Như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã, thời gian qua đã có nhiều dự án xóa đói, giảm nghèo triển khai ở Trung Lý; nhưng khi mà hầu hết bà con đều trong tình trạng mù chữ và tái mù chữ thì mọi mục tiêu kinh tế-xã hội vẫn còn nằm đâu đó ngoài đường chứ chưa đi vào từng bản, từng nhà.

Xóa xong lại… mù!
Một lớp học xóa mù chữ ở Hà Giang. Một lớp học xóa mù chữ ở Hà Giang.

 

Nhưng đâu chỉ riêng xã Trung Lý của huyện Mường Lát. Tình trạng mù chữ và tái mù chữ đang là một thực tế đáng báo động ở các địa phương miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho thấy, vào năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xóa mù chữ-phổ cập giáo dục tiểu học; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học, 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ.

Nhưng sau 18 năm thì thế nào? Tại Hội nghị Sơ kết học kỳ 1 năm học 2017-2018 đối với giáo dục thường xuyên, Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, cả nước vẫn còn khoảng 2 triệu người mù chữ. Trong khi đó, số người đi học xoá mù chữ rất ít; tỷ lệ huy động người mù chữ đi học xoá mù chữ chỉ khoảng 3% toàn quốc. Nhiều tỉnh không vận động được người đi học xoá mù chữ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Bến Tre,…

Đáng chú ý, tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết một câu đơn giản bằng tiếng phổ thông vẫn chiếm trên 21% dân số. Trong đó có các DTTS có tỷ lệ mù chữ rất cao, như: Lự, La Hủ, Mảng, Mông, Cơ Lao.

Vì sao tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ ở vùng đồng bào DTTS lại vẫn cao đến vậy? Câu hỏi này không thể không đặt ra bởi để thực hiện Chương trình xóa mùa chữ thì ngân sách đã chi những khoản tiền không hề nhỏ. Cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, nhiều địa phương đã ban hành một số chính sách hỗ trợ khác. Như Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng còn ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học Chương trình xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ là 10.000đồng/người/buổi; hỗ trợ tối đa cho mỗi học viên 1.500.000 đồng; học chương trình giáo dục sau khi biết chữ là 1.080.000 đồng.

Vấn đề ở đây là cách triển khai Chương trình ở một số địa phương vẫn còn mang tính hình thức, nhất là trong khâu điều tra số liệu thường không cập nhập và sai thực tế. Thậm chí, một số địa phương có khi không điều tra mà cập nhập số liệu theo báo cáo từ năm trước theo mô tuýp năm sau ít hơn năm trước (!).

Hơn nữa, thường các lớp xóa mù chữ chỉ là những lớp ngắn hạn, được tổ chức 2-3 tháng/lớp học. Trong thời gian ngắn ngủi đó, người học chỉ có thể tiếp cận được một ít từ vựng cơ bản. Khi về lại thôn bản, lại không thường xuyên sử dụng nên “tái mù” là điều dễ hiểu. Chương trình xóa mù chữ vì thế cứ làm suốt năm này sang năm khác.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.