“Bản nào có việc cũng là việc chung”
Con đường đất gần 20 cây số, gồ ghề từ trung tâm xã Pa Thơm (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) dẫn chúng tôi về bản biên giới Pa Thơm. Bản nằm vắt vẻo lưng chừng núi, dưới chân là dòng sông Nậm Núa hiền hòa uốn lượn, nơi sinh sống của 25 hộ đồng bào dân tộc Lào.
Anh Tòng Văn Linh, Trưởng bản Pa Thơm cho biết, những năm gần đây, được sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân trong bản đã chủ động khai hoang trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, đời sống Nhân dân trong bản đã thay đổi nhiều; các gia đình trong bản đều có xe máy, nhiều hộ có máy cày, bừa đất, máy tuốt lúa, máy xay xát, xuồng máy…
Chỉ tay sang bờ sông đối diện, Trưởng bản Tòng Văn Linh bảo, đó là bản Na Luông, thuộc cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ, nước bạn Lào. Hơn 6 năm trước, thực hiện chủ trương của tỉnh, bản Pa Thơm đã kết nghĩa với bản Na Luông; người dân hai bản tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển kinh tế, giữ bình yên biên cương.
Anh Linh dẫn chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Héo, nguyên Trưởng bản Pa Thơm. Anh bảo, ông là người nắm rõ nhất về việc kết nghĩa giữa hai bản.
Sau cái bắt tay thật chặt, ông Lò Văn Héo kể chúng tôi nghe về sự kiện mà ông nói, là vô cùng trọng đại đối với người dân hai bản cách đây hơn 6 năm. Đó là ngày 06/6/2013, trước sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền hai huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên, Việt Nam và huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ, nước bạn Lào và hàng trăm người dân bản Pa Thơm, bản Na Luông, ông Héo-lúc đó là Trưởng bản Pa Thơm đã cùng ông Xiêng Tha-Trưởng bản Na Luông trao cho nhau biên bản ghi nhớ, với các cam kết thắm nghĩa tình.
“Tại lễ ký kết, hai trưởng bản hứa tiếp tục phát huy tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống; cùng nhau góp sức bảo vệ biên giới vững vàng, bình yên. Trao cho nhau biên bản ghi nhớ, trưởng bản của hai cụm dân cư còn trao cho nhau những hạt lúa giống, hẹn đến mùa gieo hạt tới sẽ hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng làm nương”, ông Héo hồi tưởng.
Ông Héo bảo, sau khi kết nghĩa, được sự hỗ trợ tích cực của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pa Thơm, nhiều lần bà con dân bản Pa Thơm đã sang bản Na Luông hướng dẫn dân bản Na Luông cách làm ruộng nước và đưa giống lúa mới vào trồng thử nghiệm. Nhờ đó, dân bản Na Luông đã thành thục kỹ thuật làm cỏ, bón phân chăm cây lúa nước; biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi, đời sống được nâng lên so với trước đây.
“Bản nào có việc cũng là việc chung; nhà nào có việc Nhân dân hai bên cũng xúm vào giúp đỡ; tình cảm, tấm lòng người dân hai bản Pa Thơm-Na Luông luôn dạt dào như con nước dòng Nậm Núa mênh mông. Như năm 2015, bà con bản Pa Thơm đã hỗ trợ tiền, vật liệu và cử 20 người sang bản Na Luông giúp chị Lò Thị Hay làm nhà”, ông Héo nói.
Đoàn kết-Cùng nhau phát triển
Rời Pa Thơm, chúng tôi về bản biên giới Tân Phong 1, xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ, Điện Biên). Tân Phong 1 cũng đã kết nghĩa với bản Huổi Lả, thuộc cụm bản Nà Lầm, huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ, nước bạn Lào từ tháng 7/2014. Từ khi thực hiện kết nghĩa, những khó khăn, khúc mắc trong việc đi lại thăm thân, gặp gỡ giữa Nhân dân bản Tân Phong 1 và bản Huổi Lả đã được khắc phục. Việc nhỏ, việc lớn ở Tân Phong 1 cũng là việc của Huổi Lả.
Anh Lò Văn Anh, Trưởng bản Tân Phong 1 cho biết, thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, người dân ở Tân Phong 1 và Huổi Lả đã biết khai hoang, trồng trọt; áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để từng bước tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Không chỉ vận động kết nghĩa, hướng dẫn bà con cách làm ăn, BĐBP còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ Nhân dân hai bên biên giới như khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; xây dựng, tu sửa đường tuần tra biên giới, đường giao thông liên bản…
“Năm 2017, bản Tân Phong 1 đã đề xuất và xin UBND xã hỗ trợ phía bạn hai tấn xi măng để làm đường giao thông nông thôn. Trong năm 2019, phía bạn có đề xuất xin 20 chiếc ghế hội nghị (khoảng 10 triệu đồng), bà con bản Tân Phong đang làm tờ trình xin UBND huyện và Đồn Biên phòng Si Pa Phìn hỗ trợ”, Trưởng bản Lò Văn Anh thông tin.
Được sự giới thiệu của Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, chúng tôi được gặp Trưởng bản Huổi Lả-ông Tòng Văn Hùng. Ông Hùng phấn khởi cho biết: “Cùng uống chung nguồn nước, từ lâu đồng bào dân tộc ở Tân Phong 1 và Huổi Lả đã luôn coi nhau như anh em trong nhà. Nhờ có BĐBP mà tình cảm đó lại càng thêm thắm thiết hơn. Đồng bào các dân tộc Huổi Lả biết ơn BĐBP và người dân Việt Nam nhiều lắm”.
Những ghi nhận tại bản Pa Thơm, bản Tân Phong 1 được chúng tôi chia sẻ với Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ Chỉ huy BÐBP Ðiện Biên. Ông cho hay, từ năm 2013, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Ðiện Biên đã tham mưu cho Tỉnh ủy Ðiện Biên thực hiện thí điểm kết nghĩa một bản giáp biên giới. Đến hết tháng 12/2018, toàn tỉnh Điện Biên đã tổ chức kết nghĩa được 9 cặp bản hai bên biên giới, trong đó có 8 cặp kết nghĩa bản-bản trên tuyến biên giới Việt-Lào. Sau lễ kết nghĩa của các cụm dân cư, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền về Luật Biên giới, đất liền; hướng dẫn Nhân dân các cụm dân cư phương thức canh tác mới nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, biên cương một dải ngày càng thắm tình hữu nghị, đoàn kết; đời sống của nhân dân hai bên biên giới ngày càng được nâng lên.
Những năm qua, đội ngũ y sĩ, bác sĩ BÐBP Ðiện Biên phối hợp tổ chức khám bệnh cho hàng nghìn lượt người dân các tỉnh Bắc Lào; cấp thuốc miễn phí và trao nhiều phần quà tặng Nhân dân hai bên biên giới. Tháng 6/2015, BÐBP Ðiện Biên đã mở một phòng khám tại huyện Phôn Thoong để thường xuyên khám bệnh, cấp thuốc cho đồng bào các dân tộc Lào.
MINH THU