Xã An Thạnh Nam có 3 ấp, Võ Thành Văn là ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng một số chính sách theo quyết định của Chính phủ. Ấp có 820 hộ sinh sống, trong đó có 294 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Đời sống kinh tế của Nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào cây mía, hoa màu, cây ăn quả và đi làm thuê nên suốt một thời gian dài trước đây nhiều hộ dân trong ấp quẩn quanh với cái nghèo, cái khó.
Năm 2004, sau thời gian phục vụ trong quân ngũ trở về địa phương, ông Hà Văn Lùng được Chi bộ ấp tín nhiệm, Nhân dân đồng tình bầu là Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ấp Võ Thành Văn cho đến nay. Với bản tính của người lính Bộ đội Cụ Hồ “vì Nhân dân phục vụ”, ông luôn tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của đảng viên và người dân trong ấp khi triển khai các phong trào, hoạt động cộng đồng ở địa phương.
Điều mà ông Hà Văn Lùng trăn trở nhất là làm thế nào giúp bà con thoát nghèo. Theo ông, nguyên nhân lớn nhất của sự nghèo là, bao năm qua, người dân chỉ quanh quẩn với cây mía, trong khi đó mía liên tục rớt giá, sản lượng, chất lượng đều thấp, thu nhập từ trồng mía rất bấp bênh.
Từ thực tế này, ông đã bàn bạc với các đảng viên trong Chi bộ, tập trung vận động bà con thay đổi cây trồng. Trước tiên, gia đình ông và một số đảng viên tiên phong đưa một số cây trồng như nhãn, khoai môn và cây ớt vào trồng thử nghiệm tại địa phương, hiệu quả rồi mới hướng dẫn cho bà con làm theo…
Đến nay, ấp Võ Thành Văn đã chuyển đổi theo hướng tái cơ cấu nông nghiệp từ 500ha mía chỉ còn 80ha vụ mía 2019.
Ông Thạch Lành, là một trong những hộ được Bí thư ấp Hà Văn Lùng cho giống về trồng cho biết: “Hiện trong ấp, nhà nào cũng có vườn trồng khoai, thương lái vào mua tận vườn nên bà con cũng mừng lắm. Năm rồi chú Năm nói, giá khoai sẽ xuống thấp sau 3 năm có giá liên tục, nên tui theo chú trồng ớt, mà thiệt vậy, mùa rồi bán 20-30kg khoai môn mới bằng tiền của 1kg ớt”, ông Lành thông tin.
Ngoài giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho bà con, Bí thư kiêm Trưởng ấp Hà Văn Lùng còn tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, làm nhà ở cho hộ nghèo không có đất ở. Chị Lý Thị Danh, dân tộc Khmer, một trong những hộ được nhận căn nhà do ông Lùng hiến đất, kể với sự biết ơn: “Chúng tôi không họ hàng, thân thích nhưng chú Năm rất thương, sẵn lòng giúp đỡ. Gia đình tôi đang cố gắng làm ăn để năm nay thoát nghèo và giúp lại người khác giống như chú Năm từng giúp chúng tôi”.
Ông Trần Hữu Phương, Chủ tịch xã An Thạnh Nam, cho biết: theo Quyết định 29, năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào DTTS không có đất ở được hỗ trợ mua đất ở tối đa 30 triệu đồng. Xã đang loay hoay chưa tìm được giải pháp do mức hỗ trợ này không đủ để bà con mua được đất, chưa tính đến việc dựng nhà. “Rất may, ở ấp Võ Thành Văn, đồng chí Hà Văn Lừng ra xã xin hiến mặt tiền theo đường lộ xe 60m ngang và dọc 32m để làm 12 nền nhà cấp cho hộ khó khăn cần chỗ ở. Ngoài ra, đồng chí còn phối hợp với cán bộ trong ấp, trong xã vận động bà con, các nhà hảo tâm giúp đỡ vật chất, ngày công để làm khu dân cư tập trung cho hộ nghèo”.
Nhờ những việc làm cụ thể của Bí thư Chi bộ ấp và các đảng viên trong Chi bộ mà ấp đặc biệt khó khăn Võ Thành Văn đang từng ngày thay đổi, đời sống của đồng bào nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo. Hiện nay hộ nghèo trong ấp chỉ còn 62 hộ. Trong đó, hộ DTTS còn 21 hộ chiếm 35%. Ấp đang phấn đấu đến cuối năm 2019, giảm 25 hộ nghèo, trong đó có từ 5-8 hộ DTTS. Đồng thời, vận động, xây dựng thêm 3 căn nhà tình thương (trị giá 50 triệu/ căn) tại khu dân cư tập trung, cho hộ đồng bào DTTS đang khó khăn nhà ở.
“Địa phương ghi nhận tấm lòng, trách nhiệm của đồng chí Bí thư Hà Văn Lùng vì cộng đồng. Lấy gương của đồng chí nhân rộng trong địa phương”, Chủ tịch xã An Thạnh Nam thông tin.
NHƯ TÂM