Nhìn lại giai đoạn 5 năm 2011-2015 và 9 tháng năm 2016, cả nước đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn về xây dựng NTM với 2.045 xã, 24 huyện được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, xây dựng NTM còn nhiều bất cập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra các mặt tồn tại trong xây dựng NTM, trong đó nhấn mạnh việc chạy theo thành tích, còn để nợ đọng xây dựng cơ bản.
5 năm qua, đã có 53 trong số 63 tỉnh, thành nợ đọng xây dựng NTM với số tiền trên 15.000 tỷ đồng. Trong đó, ba khu vực có mức nợ đọng cao nhất là miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ.
Một số địa phương vùng miền núi, vùng dân tộc có nợ đọng lớn, như: Thanh Hóa trên 1.500 tỷ đồng, Vĩnh Phúc gần 1000 tỷ đồng, Nghệ An 887 tỷ đồng… Tỉnh Phú Thọ nợ đọng NTM không lớn, khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng lại là tỉnh có tỷ lệ các xã mắc nợ khá cao, với 226/247 xã là “con nợ NTM”…
Điều đáng nói, có nhiều địa phương đã đủ các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn NTM thì vẫn nợ, thậm chí nợ nhiều, con đường trả nợ dường như mờ mịt. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nợ đọng đã được phân tích thời gian qua là do một số địa phương còn nóng vội, chạy theo phong trào, thành tích, chưa lượng được sức mình, chỉ tập trung nhiều vào các tiêu chí xây dựng cơ bản, chưa quan tâm thật sự đến các tiêu chí khác, nhất là những tiêu chí về thực hiện các biện pháp nâng cao thu nhập cho người dân…
Để khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Theo đó, việc xét, công nhận, công bố địa phương đạt chuẩn NTM phải có nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện không nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Quy định này sẽ chấn chỉnh việc chạy đua theo thành tích, hướng đến sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, miền múi nói riêng, cả nước nói chung.
Phát động phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: phong trào phải dựa vào dân, phát huy sức sáng tạo của nhân dân bởi sức sáng tạo của nhân dân là vô tận.
Khi Quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng đi vào thực tiễn, thiết nghĩ, cần phải giải quyết ngay vấn đề nợ đọng thông qua nhiều phương án khác nhau như: không tiếp tục thi công các công trình, dự án chưa tìm được nguồn đầu tư; các địa phương cần cân đối nguồn lực để giải quyết một phần số nợ… Xử lý nghiêm những trường hợp thực hiện xây dựng NTM theo phong trào, có tính ganh đua.
Về lâu dài, để hạn chế tình trạng nợ đọng, các địa phương trước khi bắt tay vào xây dựng NTM cần có quy hoạch, đề án xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương…
Xây dựng NTM là chủ trương quan trọng, có ý nghĩa thiết thực nhưng không thể nóng vội, mà cần bảo đảm tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân một cách bền vững. Đối với các địa phương miền núi, dân tộc- nơi đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, việc không để nợ đọng NTM, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân càng cần được chính quyền các cấp quan tâm.
THANH HUYỀN