Theo đó, gần đây nhất, vào ngày 15/3, trên địa bàn TP.Thanh Hóa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi tại gia đình bà Lê Thị Hương (thôn Đông, xã Đông Lĩnh). Sau khi phát hiện, lực lượng chuyên trách đã khẩn trương tiêu hủy 4 con lợn, trọng lượng 240kg của gia đình bà Hương.
Riêng tại huyện Yên Định, tính từ ngày 23/2 đến ngày 17/3, đã phát hiện dịch bệnh tại 10 hộ chăn nuôi của 6 xã gồm: Định Long, Định Tường, Định Bình, Định Thành, Định Liên, thị trấn Quán Lào. Số lợn buộc phải tiêu hủy là 892 con, trọng lượng trên 42 tấn.
Tại huyện Thiệu Hóa, tính đến ngày 17/3, đã phát hiện dịch bệnh tại 18 hộ chăn nuôi của 8 xã gồm: Thiệu Phúc, Thiệu Công, Thiệu Long, Thiệu Tiến, Thiệu Trung, Thiệu Vũ, Thiệu Thành, Thiệu Thịnh. Số lợn buộc phải tiêu hủy là 334 con lợn, trọng lượng trên 20 tấn.
Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, qua nhận định ban đầu về tình hình dịch bệnh của 28 hộ chăn nuôi có dịch tả lợn châu Phi của 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa cho thấy, có 14/28 hộ lấy thức ăn chăn nuôi có xe cám vận chuyển từ nhà máy thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn các tỉnh có dịch là Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng. Các xe vận chuyển thức ăn chăn nuôi vào trang trại không thực hiện sát trùng phương tiện, hàng hóa và công nhân lái xe.
Riêng 4 hộ chăn nuôi liền kề bên các hộ có lợn mắc bệnh và sau 10 ngày cũng xảy ra dịch bệnh (đây được xem là có sự lây lan trực tiếp từ các hộ chăn nuôi lợn bị bệnh) do yếu tố con người giao lưu qua lại hoặc chuột, chim, chó mèo, côn trùng…
Có 10 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn mua thịt lợn về ăn, sử dụng thức ăn thừa tận dụng nấu cám cho lợn ăn, có thương lái đến thăm mua lợn. Đây là 10 hộ nhận định lây lan dịch bệnh là do yếu tố con người qua lại giữa các vùng dịch mang mầm bệnh hoặc có trong thịt lợn ốm lây lan. Ngoài ra, có thể có các nguyên nhân khác…
“Do đến thời điểm hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin, chưa có thuốc chữa, đặc biệt là chưa có nghiên cứu, xác định cụ thể các hình thức lây lan nên việc đề ra các biện pháp khống chế và ngăn chặn chưa hiệu quả, diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi đã và đang rất phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, rộng trên địa bàn các tỉnh miền Bắc; Bắc Trung bộ và tỉnh Thanh Hóa”, ông Giang cho biết.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1,2 triệu con lợn đang được nuôi tại 500 trang trại tập trung; 2.334 gia trại; 190.197 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 2.414 cơ sở, điểm giết mổ và 488 chợ có bán thực phẩm lợn thịt.
Nhằm ngăn chặn, khống chế, dập dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị các cấp đồng loạt vào cuộc, nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch.
Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa đã công bố số điện thoại 02373.260.009 và thường trực đường dây nóng 24/24 giờ để tiếp nhận, trao đổi thông tin phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
QUỲNH TRÂM