Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bên lề kỳ thi THPT quốc gia 2018: Nỗ lực giúp thí sinh tới trường thi

PV - 14:12, 27/06/2018

Với phương châm không để thí sinh bỏ thi vì điều kiện khó khăn, các địa phương Đăk Nông, Đăk Lăk… đã thực hiện những chính sách đặc thù để hỗ trợ, giúp thí sinh yên tâm, tự tin bước vào kỳ thi, đặc biệt là thí sinh DTTS.

Nhóm thí sinh DTTS Đăk Nông trao đổi sau giờ thi. Nhóm thí sinh DTTS Đăk Nông trao đổi sau giờ thi.

 

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực

Toàn tỉnh Đăk Nông có 6.396 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018. Nhiều thí sinh vùng sâu điều kiện kinh tế khó khăn, đến các điểm thi xa xôi, cách trở nên việc các em tham gia kỳ thi THPT quốc gia cần sự nỗ lực rất lớn. Theo đó, UBND tỉnh Đăk Nông đã sớm có phương án hỗ trợ thí sinh khó khăn. Qua rà soát, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, toàn tỉnh Đăk Nông có 346 thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để hỗ trợ thí sinh yên tâm đi thi, ngoài việc vận động, tỉnh còn hỗ trợ mỗi thí sinh 440.000 nghìn trong 4 ngày thi bao gồm tiền ăn, đi lại và ở. Tổng số tiền hỗ trợ trên 152 triệu đồng và được cấp phát cho thí sinh trước ngày thi.

Trong khi đó, theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Lăk, kỳ thi THPT quốc gia 2018, toàn tỉnh có 22.188 thí sinh đăng ký dự thi tại 36 điểm thi, với 934 phòng thi, trong đó có 21.785 thí sinh đến làm thủ tục dự thi đạt tỷ lệ 98,18%. Trong ngày thi đầu tiên có 254 vắng mặt.

Tại huyện Lăk có 1 điểm thi với 522 thí sinh đăng ký, trong đó có nhiều thí sinh vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Để hỗ trợ kịp thời cho thí sinh, tình nguyện viên đã chia làm 2 đội hình để tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho thí sinh và người nhà liên quan đến thi cử, cách làm thủ tục; giới thiệu nơi ăn uống giá rẻ, phòng rẻ, đảm bảo an toàn. Riêng đối với 70 thí sinh thuộc 3 xã xa và khó khăn nhất huyện chủ yếu đồng bào DTTS là Nam Ka, Krông Nô và Ea R’bin Huyện Đoàn hỗ trợ 450 suất ăn, 500 chai nước và 70 suất ở miễn phí, với tổng kinh phí 10 triệu đồng…

Tiếp sức cho thí sinh DTTS

Tại điểm thi tại Trường THPT Đăk Glong, huyện Đăk Glong (Đăk Nông) sau khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ đối tượng thí sinh khó khăn, huyện đã tập trung tìm hiểu, rà soát, ưu tiên thí sinh có điều kiện đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo ở cách xa điểm thi. Kết quả, trên địa bàn huyện có 177 thí sinh được nhận hỗ trợ của tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn khác bằng những hình thức phù hợp như phát suất ăn, chỗ ở miễn phí…

H’Ngoan là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhà cách xa điểm thi hơn 20km. Trong lúc gia đình và chính bản thân em đang lo lắng, thì nhà trường gọi gia đình đến nhận tiền hỗ trợ của tỉnh. Việc chi viện kịp thời, đúng lúc làm tâm lý của Ngoan yên tâm, tự tin hơn để bước vào phòng thi.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, Trưởng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cho biết: việc hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được tỉnh triển khai từ năm 2017. Việc hỗ trợ này đã tạo nhiều cơ hội, giảm bớt gánh nặng đối với những thí sinh vùng sâu, đồng bào DTTS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giải tỏa tâm lý, tự tin đi thi. Ngoài những thí sinh được hỗ trợ theo chính sách đặc thù này, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ mức phù hợp với thí sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Việc hỗ trợ kịp thời, đúng lúc không chỉ “tiếp sức” cho thí sinh khó khăn dự thi mà còn góp phần rất lớn vào việc bảo đảm kỳ thi thành công, hiệu quả.

Thầy cô vào tận nhà vận động thí sinh đi thi

Trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2018 khoảng nửa tháng, em Đoàn Hồng Thắm học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông lên xe hoa, sánh duyên với một thiếu niên tại xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức bỏ dở chuyện học hành, thi cử. Sau khi nhận được thông tin bất ngờ này, Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn thanh niên và giáo viên chủ nhiệm đã xuống nói chuyện với hai bên gia đình động viên em đi thi. Đến ngày làm thủ tục dự thi Thắm vẫn không đến vì e ngại, nhưng thầy cô và bạn bè tiếp tục vận động nữ sinh đã đến điểm thi đúng giờ để làm bài.

Thầy Lê Quốc Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Thắm là học sinh giỏi toàn diện trong suốt những năm học tại trường. Thời điểm làm thủ tục đăng ký dự thi THPT quốc gia Thắm đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký, nhưng trước thời gian thi khoảng hơn nửa tháng Thắm lấy chồng rồi nghỉ học. Cô giáo chủ nhiệm, bạn bè đã cố gắng thuyết phục gia đình và Thắm đi thi để không phụ công đèn sách nhưng Thắm không đi.

Trước giờ thi chục tiếng đồng hồ, tối 24/6 nhà trường cùng phụ huynh tiếp tục làm công tác tư tưởng em ấy mới quyết định đi thi. Cuối cùng hai bên gia đình cũng đồng ý và khuyên Thắm đi thi. “Với học lực của Thắm, khả năng đậu tốt nghiệp rất cao nên chúng tôi quyết tâm đưa em ấy đến phòng thi để bõ công 12 năm ăn học vất vả”.

Theo thầy Phan Văn Thanh, Trưởng điểm thi THPT Lê Quý Đôn, đây là năm đầu tiên huyện biên giới Tuy Đức đặt một điểm thi. Điểm thi này có hơn 180 thí sinh, trong đó có 1 phòng thi dành cho thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Trong ngày làm thủ tục dự thi, trừ trường hợp của Thắm, toàn bộ thí sinh của điểm thi này đều có mặt để làm thủ tục. Tuy nhiên, đến sáng 25 Thắm đã có mặt tại trường đúng giờ và làm bài thi rất tốt.

Thí sinh dân tộc Jrai  địu con đi thi

Kỳ thi THPT quốc gia 2018, tỉnh Gia Lai có 12.825 thí sinh đăng ký dự thi tại 37 điểm ở 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có 2.633 thí sinh DTTS dự thi (chiếm 20,53%).

Không giống như các thí sinh khác, Siu H’Đanil ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai mang theo con trai 3 tháng tuổi đến điểm thi THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku dự thi. Siu H’Đanil cho biết: Năm 2017, khi đang học lớp 11, em bắt một chàng trai trong làng về làm chồng. Siu H’Đanil bất chấp dòm ngó của bạn bè, vác bụng bầu đi học vì muốn thực hiện ước mơ làm cô giáo.

“Em rất yêu con và cũng rất muốn được tiếp tục học để được giao lưu, mở mang kiến thức. Em cố gắng đậu vào trường cao đẳng sư phạm để tiếp tục được đi học, gặp gỡ bạn bè các tỉnh khác, quan trọng là có học, có kiến thức làm việc gì cũng sẽ tốt hơn”, Siu H’Đanil chia sẻ.

Mặc dù vừa ôm con vừa ôn bài gặp rất nhiều khó khăn, không đủ thời gian, nhưng Siu H’Đanil vẫn cố gắng hết mình nhờ sự giúp đỡ của chồng và gia đình. Mấy ngày đi thi, Siu H’Đanil nhờ mẹ đẻ đi cùng để trông con trong lúc em làm bài. Thấy hoàn cảnh Siu H’Đanil đặc biệt, sinh viên tình nguyện đã dẫn mẹ con cô vào chùa Vĩnh Nghiêm gần điểm thi nhất xin trú ngụ. Cả hai môn Văn và Toán trong ngày 25/6, H’Đanila đều làm tốt…

Quốc Phong-Kim Văn-Lê Hường

 

Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.