Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bất động sản trong đại dịch Covid-19: Cơ hội cho người mua ở thực và đầu tư dài hạn

PV - 10:40, 03/08/2021

Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đặc biệt là tốc độ lây lan, nguy hiểm gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước, đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực hơn cho nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng. Trong đó, một số phân khúc đã rơi vào tình trạng “đóng băng”, các phân khúc còn duy trì hoạt động cũng buộc phải giảm giá, cắt lỗ.

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khiến nhà đầu tư BĐS ''lướt sóng'' không còn cơ hội.
Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, khiến nhà đầu tư BĐS ''lướt sóng'' không còn cơ hội.

Tiếp tục cắt lỗ

Từ quý II/2021, đặc biệt là thời điểm dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, thị trường BĐS cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đã xuất hiện hiện tượng giảm giá, cắt lỗ ở nhiều dự án, khu vực được xem là “điểm nóng” về tăng giá trong quý trước đó.

Đơn cử, đối với thị trường đất nền ghi nhận thực tế tại một số khu vực như: Thạch Thất, Đông Anh, Hoài Đức... giá đã giảm bình quân từ 10 - 15%, một số địa điểm giảm tới 30%. Đặc biệt, địa bàn huyện Thạch Thất, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kiến nghị UBND TP thu hồi 10 dự án lớn do có dấu hiệu vi phạm về sử dụng đất đai vào cuối tháng 3, đã khiến cho thị trường đất nền nơi đây không còn sôi động như thời điểm trước.

“Nhà đất tại địa bàn không còn bị thổi giá như thời điểm cuối năm 2020 và quý đầu năm 2021 nữa. Đất nền trong khu dân cư được thổi lên từ 10 - 12 triệu đồng/m2 vào quý I, nay đã trở về đúng với giá trị thật 7 - 8 triệu đồng/m2; đất nền dự án tái định cư đã có hạ tầng bị thổi lên 23 - 25 triệu đồng m2, đến nay chỉ còn 15 - 17 triệu đồng/m2” - đại diện UBND xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) cho hay.

Tương tự, nhà ở (gồm nhà liền kề và căn hộ chung cư) là một trong hai phân khúc cùng đất nền hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường trong giai đoạn dịch bệnh. Song, từ thời điểm dịch lần thứ 3 bùng phát đã ghi nhận nhiều chủ đầu tư và nhà đầu tư phải cắt lỗ để thu hồi vốn, hiện tượng này diễn ra với chiều hướng nhiều hơn trong đợt dịch lần thứ 4 thông qua chính sách khuyến mãi, quà tặng “khủng”, có thể kể đến như sản phẩm biệt thự liền kề dự án Hà Đô Charm Villas (huyện Hoài Đức) đang được rao bán với mức chiết khẩu lên đến hàng tỷ đồng.

Một số khu vực: Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ... tùy theo từng diện tích, vị trí của dự án, mức cắt lỗ từ 100 - 400 triệu đồng/căn cũng đang được quảng cáo “rầm rộ” trên các trang thông tin điện tử xã hội.

"Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở Việt Nam bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nay đã có những tác động sâu sắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường BĐS và nếu dịch Covid-19 kéo dài thêm một thời gian nữa, nhiều nhà đầu tư cân đối dòng tiền không tốt có thể tạo ra làn sóng cắt lỗ sâu trên thị trường." - Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam, David Jackson.

“Xu hướng căn hộ đã xuất hiện cắt lỗ nhiều từ đợt dịch thứ 2, thứ 3 trước đó. Đợt dịch lần thứ 4 nghiêm trọng hơn, chưa biết khi nào mới kết thúc. Nếu dịch kéo dài từ nay đến hết năm, nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ dễ phát sinh tư tưởng ngao ngán khi thấy thị trường giao dịch chậm và phải chấp nhận cắt lỗ sâu thêm" - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định.

Trong rủi có may?

Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho biết, thị trường BĐS đang rơi vào 2 luồng đối nghịch, nếu như thị trường thứ cấp, do tình hình dịch bệnh nên có nhiều người muốn thanh khoản căn hộ đang sở hữu, tạo cơ hội để người mua nhà với giá thấp hơn so với thời gian trước từ 5 - 10%; thị trường sơ cấp, giá căn hộ vẫn tăng trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua và cũng sẽ có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới, do chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng được tính vào giá bán sản phẩm.

“Rất nhiều ý kiến nghi ngại về việc nên hay không nên mua nhà vào lúc này. Nếu thực sự có nhu cầu về nhà ở hoặc đầu tư dài hạn thì tốt hơn hết nên mua thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm dành cho nhà đầu tư lướt sóng” - ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định.

Theo Tổng Giám đốc Gamuda Land Việt Nam Dennis Ng, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đã tiếp tục giáng thêm một “đòn mạnh” vào thị trường BĐS, nhưng cũng mang đến cơ hội cho người có nhu cầu thực về nhà ở và nhà đầu tư dài hạn, bởi dân số tăng, nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh tăng theo về lâu dài đất đai sẽ tiếp tục tăng giá. Hơn nữa, BĐS là kênh mà nhà đầu tư có thể mua với giá trị thấp hơn giá trị thực, khác hẳn với kênh chứng khoán, vàng... do được ngân hàng bảo lãnh cho vay.

“Ngoài ra, khi mua tài sản BĐS thì chủ sở hữu được dùng thế chấp để lấy tiền phục vụ nhu cầu đầu tư khác hoặc sử dụng để kinh doanh sinh lời. Vì vậy, về lâu dài nếu nhà đầu tư đủ tiềm lực tài chính vẫn có thể lựa chọn BĐS là kênh đầu tư an toàn, bất chấp những ảnh hưởng từ dịch bệnh” - ông Dennis Ng nhìn nhận.

Nhiều chuyên gia đều chung nhận định, các chủ đầu tư đa thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng bằng hình thức bán hàng online, nên vẫn duy trì hoạt động ổn định, thị trường chưa có dấu hiệu tụt dốc. Trong khi đó, người mua đất làm nhà hoặc mua chung cư để ở là kế hoạch dài hạn, nên việc đầu tư vẫn diễn ra và hầu như ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng ở thời điểm này ca nhiễm chưa dừng lại cũng là rào cản để người dân đầu tư.

Hầu hết cuộc khủng hoảng đều tiềm ẩn cơ hội rất lớn, chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới có thể nắm bắt được cơ hội. Đa phần đều muốn nhân cơ hội này để mua hoặc thuê với giá rẻ hơn. Tuy nhiên cần lựa chọn, xem xét kỹ để phòng những rủi ro không đáng có, tránh “tiền mất, tật mang”./.

"Trong tình hình dịch bệnh thế này không nên đầu tư vào dự án giá cao, nhưng nhà đầu tư đang có tình hình tài chính ổn định có thể cân nhắc mua thêm sản phẩm với mức vốn vay ngân hàng từ 20 - 30% giá trị sản phẩm để đầu tư dài hạn. Ngược lại, nhà đầu tư lướt sóng đang phải chịu áp lực về dòng tiền do phải trả gốc, lãi vay ngân hàng nên đã buộc phải bán cắt lỗ để giải quyết bài toán tài chính." - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.