Chất lượng con giống kém...
Tháng 5/2018, 40 hộ gia đình của thôn Gò Chu, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi được tham gia dự án sinh kế trồng cây đinh lăng do Ban Phát triển xã Sơn Thành triển khai. Dự án có diện tích 1,6ha, tổng nguồn vốn đầu tư 540 triệu đồng.
Theo dự kiến, dự án thực hiện trong 3 năm. Nhưng mới chỉ sau 2 tháng trồng thì có đến 80% cây giống bị thối gốc chết, những cây còn sống lại không có rễ mà chỉ phát triển nhờ chất kích thích.
Theo báo cáo của Ban Phát triển xã Sơn Thành, nguyên nhân dẫn đến thất bại của dự án, là do thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây đinh lăng, cây giống cũng chưa đảm bảo.
Sau khi cây chết, Ban Phát triển xã đã phối hợp với đơn vị cung ứng giống là Công ty Sơn Trung Du và các hộ dân thực hiện dự án, tiến hành cải tạo đất, trồng lại cây giống và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Báu, cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Sơn Thành (nguyên là cán bộ khuyến nông của dự án), cũng như lần trước khi xuống giống một thời gian, cây không phát triển, chết dần rồi chết hoàn toàn.
Tại Bình Phước, vào khoảng tháng 7/2020, người dân đã phản ánh việc bò giống được hỗ trợ từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh khi nhận về nuôi đã bị chết. Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cũng đã kiểm tra xác minh, trong số 892 con bò giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp cho các hộ, đã có 56 con chết, 52 con bị bệnh. Các địa phương có bò chết nhiều như: Bù Gia Mập 16 con, Phú Riềng 13 con, Bù Đăng 9 con, Hớn Quản 8 con…
Nguyên nhân bò giống cấp cho các hộ đồng bào DTTS nghèo bị chết là do bị bệnh; một số khác là do chất lượng một số con bò giống không tốt, bò chưa thích nghi sự thay đổi về thời tiết, khí hậu tại địa phương.
Ngoài ra, việc cấp bò vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nên nguồn cỏ tự nhiên cho bò ăn thiếu; không ít hộ được cấp bò hạn chế về kiến thức chăn nuôi, chưa nắm được quy trình chăm sóc bò nên bò bị bệnh kéo dài, sức khỏe đàn bò giảm sút và là cơ hội để một số bệnh tiềm ẩn bộc phát như nấm da, viêm phổi… nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy kiệt rồi chết.
Sau sự việc xảy ra tại Bình Phước, các hộ đã được hỗ trợ đổi bò giống mới. Tuy nhiên, hệ luỵ từ việc hỗ trợ trên, đã lây lan sang đàn vật nuôi của người dân, gây thiệt hại về kinh tế khiến cho nhiều người dân bức xúc.
Thiếu kiểm tra, giám sát
Giai đoạn 2010 - 2019, thực hiện nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh xây dựng được 379 mô hình tại 77 xã, với 13.828 hộ tham gia. Cũng phải ghi nhận, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhưng cũng có không ít mô hình chưa phù hợp, không thể duy trì nhân rộng.
Điển hình như năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất (100 triệu đồng/xã), các xã: Cao Lâu, Gia Cát, Hải Yến đã lựa chọn mô hình trồng chuối tiêu hồng, cây cam đường ghép. Song do không hợp điều kiện khí hậu, đất đai, người dân chưa có kinh nghiệm trồng loại cây này… nên chỉ sau 1 năm, phần lớn cây bị chết, mô hình thất bại.
Còn tại Ðiện Biên, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa nguồn sinh kế Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã hỗ trợ trên 7.600 con trâu, bò cho gần 10 nghìn hộ; hơn 55 nghìn con gia cầm cho gần 900 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp, máy móc, thiết bị sản xuất cho hàng nghìn hộ… Nhưng theo thống kê, sau khi hỗ trợ, các dự án còn thiếu kiểm tra, đánh giá hiệu quả.
Ðơn cử năm 2017, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông được hỗ trợ 29 con bò do doanh nghiệp cung ứng con giống. Tuy nhiên, sau khi giao con giống cho người dân, đến nay không có đơn vị nào kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau đầu tư. Vừa qua, xã rà soát tổng đàn gia súc trên địa bàn, thì phát hiện cả 29 con bò được hỗ trợ đều đã chết.
Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Năm 2019, Phòng đã kiểm tra thực tế, phát hiện một số xã vẫn chưa thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đặc biệt khâu giám sát hỗ trợ và sau hỗ trợ, mặc dù các xã đều đã thành lập ban giám sát cộng đồng.
Có thể thấy, việc đầu tư, hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đầu tư con giống cần phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác chăn nuôi, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật của người dân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư hỗ trợ phải được thực hiện nghiêm túc kịp thời, để tránh lãng phí nguồn vốn hỗ trợ.
Những tồn tại, vướng mắc trong các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, là vấn đề không mới, nhưng lại là vấn đề chưa bao giờ cũ. Do đó, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan, cần nghiêm túc nhìn lại vai trò trách nhiệm, đối với công tác chỉ đạo; công tác tham mưu xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án dân sinh chưa phù hợp và hiệu quả... Qua đó rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục hạn chế trong việc xây dựng các chương trình, dự án tiếp theo để người dân khi đón nhận chính sách của Nhà nước bằng sự phấn khởi, niềm tin về sự đổi thay, phát triển.
Theo kết luận thanh tra của Ủy ban Dân tộc về việc thực hiện một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc năm 2020 tại tỉnh Điện Biên thì, công tác kiểm tra điều kiện thực hiện dự án, hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị liên quan ở một số nơi còn hạn chế. Điển hình như một số xã của huyện Mường Nhé, giống trâu, bò cái sinh sản bị chết chiếm tỉ lệ cao do dịch bệnh hoặc hộ gia đình không biết cách chăm sóc. Có một số hộ đã tự bán trâu, bò cái giống sau khi được hỗ trợ…