Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn văn hóa người Cor ở Thọ An

PV - 11:09, 08/05/2019

Thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là thôn người Cor sinh sống tập trung duy nhất tại huyện Bình Sơn. Hàng trăm năm trước, sau cuộc di cư từ 2 nhánh phía Trà My (Quảng Nam) và huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), họ đã định cư tại mảnh đất này và lập làng Thọ An.

Chị Nguyễn Thị Kiều và anh Ngô Tiến Sĩ tham gia CLB Cồng chiêng Thọ An. Chị Nguyễn Thị Kiều và anh Ngô Tiến Sĩ tham gia CLB Cồng chiêng Thọ An.

Anh Ngô Tiến Sĩ, Trưởng ban Mặt trận thôn Thọ An cho biết: “Thôn Thọ An có khoảng 220 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn đến 20%. Trong quá trình sinh sống cộng cư, người Cor học hỏi và phát triển kinh tế, giao thương với người Kinh, do vậy bản sắc văn hóa dần dần bị mai một”.

Chỉ mới 2 năm trở lại đây, người Cor ở Thọ An lần đầu tiên được tham gia vào Lễ Ngã rạ do huyện Bình Sơn tổ chức nhằm khôi phục lại một hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngành văn hóa của huyện đã nỗ lực tổ chức các lớp học hát, múa cồng chiêng, mời các nghệ nhân từ huyện Trà Bồng về dạy, đầu tư trang phục truyền thống cho đồng bào.

Tuy nhiên, công tác khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống được đông đảo dân làng quan tâm khi CLB Cồng chiêng Thọ An được thành lập. CLB gồm có 20 thành viên, trong đó chia làm đội múa và đội cồng chiêng. Các thành viên tham gia CLB đa phần đều ở tuổi từ 40-60 tuổi như ông Hồ Văn Nghĩa (43 tuổi), ông Nguyễn Văn Minh (50 tuổi),… Các thanh niên, thiếu niên luôn được CLB động viên tham gia, trước là xem biểu diễn, sau là học hỏi với vai trò thành viên. Ngoài ra, CLB đã mua sắm được 40 bộ trang phục truyền thống dành cho nam và nữ, 10 bộ cồng chiêng phục vụ cho các nghi lễ.

Ông Hồ Văn Động, Trưởng CLB Cồng chiêng Thọ An cho biết: “Những bài chiêng thông dụng nhất là “Chiêng chào khách”, “Chiêng cúng thần”, “Chiêng tiễn khách”… Cũng có những bài chiêng nặng về tính sinh hoạt như “Chiêng đối đáp”, đặc biệt là hình thức đấu chiêng. Đây là văn hóa độc đáo của người Cor, tuy nhiên rất ít người Cor ở Thọ An hiểu biết về loại hình đấu chiêng này”.

Được biết, trong thời gian tới, CLB sẽ vận động thêm 20 người vào CLB để tham gia lớp học đánh cồng chiêng được tổ chức vào những ngày cuối tuần.

Với chủ trương khôi phục bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Cor, huyện Bình Sơn đã triển khai các dự án, trong đó hỗ trợ mời nghệ nhân dạy cồng chiêng, mua sắm trang phục truyền thống, hỗ trợ tổ chức Lễ Ngã rạ.

Bên cạnh đó, huyện Bình Sơn đang thực hiện xây dựng nhà sàn, vườn hoa, suối hoa, phát động người dân trồng hoa tạo quang cảnh. Những ngày đầu xuân, du khách đến với thôn Thọ An có thể tham quan làng bích họa phát sáng, tâm điểm thu hút du khách đến với cảnh quang thiên nhiên đẹp và yên bình. Những bức tranh lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, ca ngợi cuộc sống nơi đây.

Bức tranh thác Tuyền Tung được lấy cảm hứng mô phỏng từ thác Tuyền Tung của thôn Thọ An, thác là điểm nhấn du lịch vùng núi, nơi đây vẫn giữ được nguyên trạng, từng ruộng lúa rẫu xanh mướt, dòng thác trắng xóa như dải lụa đổ dài từ độ cao gần 9m, dưới chân thác là hàng trăm tảng đá lớn nhỏ nằm san sát nhau, tạo vẻ đẹp hùng vĩ.

Ngoài ra, các bức tranh tường có vẽ hình voọc chà vá quý hiếm, hoa cỏ, chim, bướm bay thành đàn đã tạo nên nét đặc sắc tô điểm cho làng Thọ An. Thông qua đó, người dân có cơ hội giới thiệu nông sản, đặc sản quê hương như gà đồi, heo dược liệu, rau ranh,… Các dự án này đang dần được hoàn thiện.

Bà Lê Thị Mẫu, người dân thôn Thọ An cho biết: “Du khách đến đây tham quan ngày càng đông. Chúng tôi không ngờ vùng rừng núi này lại được mọi người ở dưới xuôi yêu thích như vậy”.

Nói về định hướng của du lịch năm 2019, ông Võ Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, địa phương sẽ xây dựng hoàn thành công trình nhà sàn trong năm 2019, đồng thời trồng thêm mới các vườn hoa, suối hoa. Đối với đường xá lên xã Bình An sẽ được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện mới các tuyến đường đã xuống cấp hư hỏng và thông tuyến mở đường lên tới thác Tuyền Tung.

NGUYỄN TRANG

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.