Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch xứ Nghệ: Kho báu truyền đời (Bài 1)

Nguyễn Thanh - 16:00, 16/10/2023

LTS: Miền tây xứ Nghệ giàu tiềm năng. Một trong những tiềm năng ấy, thì giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS chính là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế từ hoạt động du lịch. Lâu nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch rất được các địa phương đặc biệt quan tâm bằng các chủ trương, nghị quyết, đề án cụ thể. Tuy nhiên, điều mà các địa phương ở Nghệ An đón đợi nhất vẫn là nguồn lực, cơ chế, chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đang được vận hành theo Dự án 6.

Các hoạt động tại lễ hội đền Chín Gian huyện Quế Phong
Các hoạt động tại lễ hội Đền Chín Gian huyện Quế Phong

Nhiều lễ hội truyền thống gắn với sự tích dựng bản lập mường, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, nhiều bản làng cổ kính nép mình dưới tán rừng già… cùng với non nước miền Tây xứ Nghệ đang là điểm đến khó cưỡng đối với du khách gần xa. Đặc sắc văn hóa truyền thống của các DTTS đã là điểm nhấn quan trọng trên bước đường hành hương về với bản làng.

Một miền di sản…

Văn hóa các DTTS miền Tây xứ Nghệ trải dài trên địa phận 11 huyện, thị vùng DTTS và miền núi. Đây là vùng đất sinh sống của gần 1,2 triệu người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào DTTS có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán khác nhau tạo nên tính đa đạng về văn hoá, góp phần quan trọng làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nơi sơn cùng thủy tận Quế Phong, ngoài những thác ghềnh do thiên nhiên ban tặng như Xao Va, thác bảy tầng đầy mê hoặc, thì đây còn là vùng đất gắn với câu chuyện dựng bản, lập Mường từ sự tích Đền Chín Gian. Ngôi đền là Di tích Lịch sử – Văn hóa có nguồn gốc lâu đời gắn liền với quá trình hình thành các bản Mường của đồng bào Thái miền Tây Bắc Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng.

Vùng đất Quế Phong còn nổi tiếng với bản Thái cổ Mường Đán với những nếp nhà sàn thâm nâu ở xã Hạnh Dịch; điểm du lịch cộng đồng bản Cọ Muồng xã Châu Kim và bản Long Thắng xã Hạnh Dịch; lễ hội Xăng Khan tại bản Na Hứm xã Thông Thụ… 

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ chia sẻ: Văn hóa các DTTS ở Quế Phong có sự nổi trội rõ nét của văn hóa Thái, văn hóa Mông… Trong đó, điểm nhấn quan trọng là Lễ hội Đền Chín Gian rất đậm đà bản sắc, hàng năm thu hút một lượng lớn du khách tham gia.

Trâu để hiến trong nghi thức lễ hội Đền Chín Gian huyện Quế Phong
Trâu để hiến trong nghi thức lễ hội Đền Chín Gian huyện Quế Phong

Ở “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, Con Cuông được biết đến với rất nhiều di tích, danh thắng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của đồng bào các DTTS nơi đây. Hiện tại, toàn huyện Con Cuông có 74 di sản văn hóa; trong đó có 29 di sản tri thức dân gian, 21 di sản tập quán xã hội, 10 di sản nghệ thuật trình diễn, 6 di sản nghề thủ công truyền thống, 2 di sản tiếng nói chữ viết, 6 di sản ngữ văn dân gian. Ngoài ra còn có 39 di tích, danh thắng được kiểm kê; trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Hoàng Sỹ Kiện cho biết: Dân tộc Thái huyện Con Cuông giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Nơi đây có các điệu dân ca nổi tiếng như nhuôn, lăm, xuối, khắp, hát ru. Hình thức trình diễn của đồng bào rất đa dạng và phong phú kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, múa và nhạc cụ. Họ còn sáng tạo bộ nhạc cụ rất phong phú và đậm bản sắc riêng như: khèn bè, pí nhuôn, pí xuối, khèn lá, xò lò, đàn tính, đàn môi, nhạc cụ dây (xị xà lò), nhạc cụ gõ (cồng chiêng, khắc luống, trống, tăng bu) để phối âm. Lễ hội cũng rất phong phú, như lễ hội cầu mùa, lễ hội Xăng khan, lễ mừng cơm mới, lễ cầu mùa, lễ hội Môn Sơn-Lục Dạ…

Điều rất đặc biệt, ở tại 11 huyện miền núi xứ Nghệ, nơi có cộng đồng các DTTS sinh sống, đều có các lễ hội truyền thống đặc sắc. Các lễ hội dân gian của các DTTS ở Nghệ An rất phong phú, đa dạng đã và đang được cộng đồng các dân tộc duy trì cho đến ngày nay. Đây là loại hình văn hóa mang giá trị tâm linh, phản ánh đời sống tinh thần của đồng bào, từng hoạt động của lễ hội đều gắn liền với các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian riêng biệt mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Cụ thể: dân tộc Thái có Lễ hội Cầu mùa, lễ Xăng khan, lễ hội lồng tồng, lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), lễ hội Đền chín gian (Quế Phong), lễ hội Đền Choọng, Mường Ham (Quỳ Hợp); dân tộc Khơ Mú có Lễ hội: xuống giống, cầu mưa, mừng cơm mới, mừng nhà mới; dân tộc Mông có Lễ hội Xuân; dân tộc Ơ Đu có Lễ hội đón tiếng sấm đầu năm; dân tộc Thổ có lễ hội Bốc Mó…

Nhưng, bản sắc văn hóa các DTTS miền Tây xứ Nghệ không chỉ có vậy. Ngoài lễ hội, hệ thống các di tích gắn với lịch sử dựng bản lập mường... còn là văn hóa trang phục, là chữ viết, là nhạc cụ, là món ăn, là những tục lệ tốt đẹp. 

Tất cả những đặc trưng, bản sắc ấy đã làm nên miền di sản đặc sắc của đồng bào các DTTS đang sinh sống nơi miền Tây xứ Nghệ, trở thành kho tàng văn hóa đồ sộ trong đời sống tinh thần của người dân địa phương.

Điểm đến hấp dẫn

Hiện nay, hệ thống các di tích, các công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh ở miền Tây Nghệ An không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân địa phương, người dân trong tỉnh, mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách gần, xa.

11 huyện miền núi xứ Nghệ có đồng bào DTTS sinh sống thì cả 11 huyện đều có các lễ hội gắn với đặc sắc văn hóa của các DTTS. Và cũng rất đặc biệt, tất cả các lễ hội gắn với sự tích dựng bản lập mường ở 11 địa phương này đang trở thành điểm đến hấp dẫn.

Nếu như Quỳ Châu có lễ hội truyền thống hang Bua gắn với câu chuyện tình nhuốm màu liêu trai của Tạo Khủn - Tinh và Nàng Ni (Nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá); Quỳ Hợp có lễ hội đền Choọng gắn với sự tích người con gái Nang Phốm Hóm (tiếng Thái nghĩa là Nàng tóc thơm) - người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ XV, Nghĩa Đàn có lễ hội làng Vạc gắn với di chỉ của người Việt cổ... thì lễ hội đền Vạn cửa rào ở Tương Dương và lễ hội Pu Nhạ Thầu ở Kỳ Sơn gắn với sự nghiệp và công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, một danh tướng đời nhà Trần đã hy sinh trên vùng đất biên cương này để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ bản làng và cuộc sống muôn dân...

Một phân đoạn trong Lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái
Một phân đoạn trong Lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái

Hòa trong những lễ hội ấy là sặc sỡ của trang phục đồng bào các DTTS, là những trò chơi mang đậm dấu ấn bản địa như ném còn, bắn nỏ, chọi bò, múa lăm vông, khắc luống... thu hút hàng vạn người tham gia.

Trưởng Phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu Nguyễn Hùng Cường bày tỏ: Điểm nhấn của văn hóa truyền thống các DTTS Quỳ Châu là lễ hội hang Bua. Vào mùa lễ hội hang Bua, hàng ngàn du khách mọi miền về đã với Quỳ Châu để được hòa mình vào ngày hội văn hóa của đồng bào các DTTS nơi vùng đất từng nổi danh là “trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật”.

Còn anh Phan Hồng Văn đến từ Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bày tỏ sự thích thú khi tham gia các lễ hội: Tôi đã tham gia nhiều lễ hội gắn với đặc sắc văn hóa ở một số huyện miền Tây Nghệ An như lễ hội Đền Chín Gian, Pu Nhạ Thầu, Đền Choọng… và nhận thấy văn hóa các DTTS rất phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Tham dự, bản thân tôi thấy mình như hòa vào ngày hội văn hóa đa sắc tộc của người dân.

Ngoài các lễ hội ấy, thì nghi lễ Xăng Khan của đồng bào Thái ở các huyện miền Tây xứ Nghệ đã trở thành một trong bảy lễ hội và tín ngưỡng truyền thống đã được lập hồ sơ đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong tâm thức của những người làm công tác du lịch, thì du lịch văn hóa tâm linh gắn với đặc sắc văn hóa truyền thống của các DTTS được xác định là 1 trong 3 “chân kiềng” của du lịch Nghệ An; cùng với du lịch biển và du lịch sinh thái. Hệ thống nghi lễ, lễ hội, điểm du lịch tâm linh cùng nét văn hóa truyền thống đặc sắc đang trở thành điểm đến hấp dẫn, điểm dừng chân của biết bao du khách khi về với bản làng miền Tây. 

Du khách nước ngoài say sưa với điệu nhảy sạp tại điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông
Du khách nước ngoài say sưa với điệu nhảy sạp tại điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông

Chị Hoàng Thị Lan Anh ở Nghi Trường, Nghi Lộc (Nghệ An) hào hứng: Năm nào mình cũng đi ít nhất một lễ hội của các huyện miền Tây, hấp dẫn và cuốn hút. Lên đó, không chỉ được tham gia vào ngày hội văn hóa các DTTS mà mình còn được trải nghiệm khung cảnh nên thơ, hữu tình của vùng biên viễn.

Từ thực tiễn cho thấy, dòng chảy của lễ hội ở các huyện miền Tây Nghệ An gắn với nét văn hóa đặc trưng của các DTTS chính là dòng chảy truyền thống của lịch sử và văn hóa, được hình thành từ lâu đời và bồi đắp nên những “bãi phù sa” màu mỡ, ẩn chứa bao “trầm tích”. Đó chính là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa, trải nghiệm và thưởng ngoạn đời sống văn hóa - tâm linh.

Nhưng, đặc trưng văn hóa của đồng bào các DTTS nơi miền Tây xứ Nghệ đang đứng trước thực trạng mai một, pha trộn của nhiều luồng văn hóa khác. Thậm chí, nhiều nét văn hóa, nhiều nghi lễ, lễ hội của đồng bào đã phai nhạt, biến mất... Tất cả đang đặt ra không ít thách thức trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS nơi miền Tây Nghệ An; nhất là khi chính quyền địa phương đang xác định giá trị văn hóa là tiềm năng để phát triển du lịch, làm kinh tế từ du lịch.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.