Sáng nay (19/9) tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” nhằm mục đích từ những tiếp cận khác nhau, thêm một lần nữa phân tích, khẳng định những giá trị to lớn tiềm ẩn trong các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Xem xét một cách khách quan, khoa học, phân tích làm rõ thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội và chỉ rõ các nguyên nhân dẫn tới thực trạng, các di tích bị xuống cấp, bị xâm hại, bị vi phạm. Từ đó đề xuất các kiến nghị, các giải pháp có tính thuyết phục, có hiệu quả để đảm bảo cho việc thực hiện đúng yêu cầu của Đảng, Nhà nước: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển bền vững.
Hà Nội là nơi hội tụ gần như đầy đủ các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu với những giá trị nổi trội. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 5.922 di tích – là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử văn hóa. Hơn thế nữa, trong bảng tổng các di tích lịch sử văn hóa của Hà Nội, chúng ta thấy có đủ 4 loại di tích được phân định tại Luật Di sản Văn hóa (2001), Luật bổ sung và sửa đổi một số điều của Luật Di sản Văn hóa (2009). Đó là các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh.
Ông Động cho biết, thời gian qua, ngành Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã cố gắng tới mức tối đa đối với việc thực thi của hiệu quả trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, phát huy giá trị của di tích trong đời sống đương đại. Hà Nội là một trong những địa phương gặt hái được nhiều kết quả có tính thuyết phục trên các lĩnh vực nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng di tích, bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị di tích; Khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di tích, phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội là du lịch…
Sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên theo ông Động, vẫn còn có những hạn chế.
“Số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích chưa tương xứng, còn trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Hà Nội đã cố gắng tối đa trong việc huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Hiện có 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình, đặc biệt có tới 166 di tích bị vi phạm, việc hạ giải đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) vốn là kiến trúc gỗ, nay làm mới bằng bê tông cốt thép là một ví dụ. Nói là đã bước đầu đa dạng hạng các hình thức phát huy giá trị di tích, nhưng kết quả chưa cao, nhiều di tích “vắng như chùa Bà Đanh”…”, ông Động nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau tìm hướng đi cho việc bảo tồn những giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội trong điều kiện thành phố đang trong tiến trình đẩy mạnh phát triển.
TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển là vấn đề chung của thế giới, của cả nước chứ không riêng Thủ đô Hà Nội. Nhưng, trên mảnh đất nghìn năm lịch sử của Thủ đô, với số lượng và mật độ di tích, di sản dày đặc, phong phú hiện có, thì việc xử lý mối quan hệ bảo tồn và phát triển sẽ gặp phải thường xuyên và khó khăn hơn các địa phương khác.
“Bảo tồn và phát triển là hai mặt thống nhất chứ không phải đối lập với nhau. Bảo tồn có chọn lọc, với hình thức và phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị và điều kiện cụ thể; đáp ứng yêu cầu cần và có thể bảo tồn. Không thể dùng ý chí chủ quan, đòi hỏi sự bảo tồn cực đoan, bỏ qua yêu cầu phát triển. Đối với con người và xã hội, bảo tồn và phát triển đều là những yêu cầu, đòi hỏi hết sức khách quan. Từ xưa đến nay, không bao giờ có thứ bảo tồn nguyên trạng tất tần tật mọi thứ của quá khứ, ở mọi nơi, mọi lúc”, TS Phạm Quang Nghị cho biết.
Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, ở nước ta, sự “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển không phải hiếm gặp, nhưng Hà Nội đã có những giải pháp vừa giữ gìn, vừa phát huy được giá trị di tích dưới các hình thức bảo tồn phù hợp, giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện của không gian đô thị.
GS Lưu Trần Tiêu kể đến một số ví dụ như tại Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, chúng ta vừa bảo tồn được tại chỗ các hố khai quật và các tài liệu hiện vật khai quật được để giới thiệu với công chúng như là một “bảo tàng ngoài trời” – “một công viên lịch sử - văn hóa” để phục vụ công tác nghiên cứu và thu hút khách tham quan du lịch, lại xây dựng được Nhà Quốc hội trong Khu Trung tâm chính trị Ba Đình lịch sử. Hay khu di tích Đàn Xã Tắc, sau khi hiện vật được đưa về bảo tàng trưng bày, phủ lớp vải địa kỹ thuật lên toàn bộ mặt bằng hố khai quật đã được triển khai làm đường giao thông…
PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản và Văn hóa Việt Nam cho rằng, điều chúng ta quan tâm là phải bảo tồn những gì được coi là “biểu tượng văn hóa” đặc trưng nhất cho các giai đoạn phát triển của đô thị Hà Nội, đó là cách ứng xử công bằng cho tất cả các loại hình di sản. Bởi đó là những hạt nhân tạo nên sự đa dạng trong các sắc thái văn hóa của Hà Nội với tư cách là Thủ đô, nơi hội tụ, chắt lọc, kết tinh và tỏa sáng tinh hoa văn hóa từ tất cả các vùng, miền quốc gia./.
THEO VOV