Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các DTTS thông qua lễ hội ở Gia Lai: Tạo điều kiện để lễ hội "hồi sinh" (Bài 2)

Hòa Bình - 16:19, 05/12/2023

Từ định hướng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động phục dựng, bảo tồn nét văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương; trong đó thông qua nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số được phục dựng. Qua đó, tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng để thúc đẩy sự bứt phá mới trong phát triển cho du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Phục dựng Lễ cúng nhà rông mới của đồng bào Gia Rai làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku
Phục dựng Lễ cúng nhà rông mới của đồng bào Gia Rai làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku

Phục dựng các nghi lễ  truyền thống

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS, từ năm 2019 đến nay, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với chính quyền các địa phương, tiến hành phục dựng 12 nghi lễ truyền thống của đồng bào Ba Na và Gia Rai trên địa bàn tỉnh, như cúng bến nước, cúng lên nhà rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ cúng cầu mưa…

 Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, để tổ chức thành công chừng ấy đợt phục dựng các nghi lễ truyền thống, là sự nỗ lực rất đáng ghi nhận của cán bộ, viên chức trong đơn vị. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền cũng như các ban ngành, đoàn thể địa phương để thực hiện. 

Không chỉ có vậy, nhân tố đặc biệt quan trọng trong các nghi lễ, là cộng đồng cư dân địa phương, với tư cách là chủ nhân của di sản văn hóa. Đơn vị chọn phục dựng những nghi lễ có tính cộng đồng và hướng đến các giá trị tốt đẹp. Trong quá trình phục dựng, Nhà hát luôn tôn trọng tính nguyên bản và chuẩn mực của nghi lễ truyền thống.

Nhiều lễ hội, nghi lễ văn hóa truyền thống trong đồng bào DTTS được phục dựng và thực hành trong đời sống của đồng bào
Nhiều lễ hội, nghi lễ văn hóa truyền thống trong đồng bào DTTS được phục dựng và thực hành trong đời sống của đồng bào

"Qua tìm hiểu tại các địa phương, chúng tôi được biết, hầu hết các nghi lễ sau khi phục dựng đều được dân làng duy trì hàng năm và bước đầu phát huy hiệu quả về mặt văn hóa tinh thần cũng như thu hút khách du lịch", ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San thông tin thêm.

Hẳn ai đã được chứng kiến, được biết đến Chương trình “Sắc màu văn hóa Gia Lai - Bảo tồn và phát triển” diễn ra vào tháng 10 vừa qua, tại TP.Pleiku sẽ không thể quên tiết mục của  50 nghệ nhân Ba Na, xã Hà Tây, huyện Chư Păh với màn trình diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca mừng lúa mới hoành tráng, âm vang phố núi, đã tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng để mọi người cùng trải nghiệm…

 Nghệ nhân Y Byưn, làng Kon Mãh, xã Hà Tây chia sẻ: “Tôi rất xúc động và vui lắm khi được tham gia biểu diễn tại Chương trình này. Đội chiêng của làng đến đây, còn mong muốn được giao lưu, quảng cáo cho du khách phong tục cồng chiêng của dân làng mình. "Mong muốn của tôi các cấp, các ngành, chính quyền tiếp tục tạo điều kiện duy trì và tổ chức các hoạt động, lễ hội để đội cồng chiêng ở những bản làng đồng bào được giao lưu, thể hiện văn hóa của dân tộc mình như ngày hôm nay”.

Bảo tồn lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch

Bên cạnh lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng, phục dựng các nghi lễ văn hoá truyền thống còn là dịp để Nhân dân, du khách cùng tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị bản sắc từ ngàn đời của cha ông để lại. Vì vậy, trong nhiều năm nay, các cấp, ban ngành tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các đoàn nghệ nhân bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc mình như: tăng cường công tác quảng bá, vận động các đoàn nghệ nhân duy trì việc tập luyện cồng chiêng, phục dựng các lễ hội; thường xuyên cử các đoàn nghệ nhân tham gia biểu diễn phục dựng tại các lễ hội do tỉnh và thành phố tổ chức. Qua đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Tại thành phố Pleiku, ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin cho hay: Trong những dịp tổ chức ngày hội văn hoá du lịch, thành phố đã tổ chức cho đồng bào các làng DTTS phục dựng lại một số nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Qua việc tổ chức phục dựng các nghệ nhân, các già làng, trưởng thôn có dịp trao truyền lại cho lớp trẻ những kiến thức, nghi lễ phục dựng các lễ hội. Trong quá trình phục dựng, các nghệ nhân cũng đã cố gắng giữ lại nguyên bản sắc văn hoá dân tộc, để quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Màn trình diễn cồng chiêng lễ "Mừng chiến thắng" đặc sắc của các nghệ nhân Gia Rai tại Liên hoan Văn hoá cồng chiêng
Màn trình diễn cồng chiêng lễ "Mừng chiến thắng" đặc sắc của các nghệ nhân Gia Rai tại Liên hoan Văn hoá cồng chiêng

Tại huyện Ia Grai, nhiều lễ hội được huyện duy trì tổ chức thường niên như, Hội đua thuyền độc mộc tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng bên dòng Pô Cô. Đây cũng là dịp để các đoàn nghệ nhân đến từ các xã trình diễn cồng chiêng trong Lễ mừng lúa mới, bỏ mả…

 Ngày hội cũng là dịp để huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, các điểm du lịch đẹp đến du khách gần xa. Du khách đến đây để được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, không khí trong lành, hòa mình cùng không khí lễ hội. 

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: Lễ cúng nhà rông mới là một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào Gia Rai được huyện giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với các lễ hội khác, huyện Ia Grai mong muốn, thông qua các nghi lễ truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân làng. Đồng thời, từ giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.