Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong xu thế hội nhập

PV - 13:57, 29/05/2018

Lào Cai là một trong 3 tỉnh được chọn triển khai thí điểm mô hình dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng Mông ở bậc học mầm non và tiểu học.

Qua thời gian triển khai, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, mô hình đã và đang góp phần bảo tồn và phát triển tiếng Mông.

Bài 5: Điểm sáng ở Lào Cai

Nâng cao chất lượng giáo dục

Năm học 2009-2010, Trường Tiểu học Bản Phố, huyện Bắc Hà bắt đầu triển khai dạy song ngữ cho học sinh trong trường. Với mô hình dạy học này, học sinh DTTS sẽ được thầy, cô dạy đọc, viết bằng chính tiếng mẹ đẻ của các em, giúp các em học hiểu tốt nhất. Tiếng Việt được dạy bằng phương pháp dạy ngôn ngữ thứ hai (dạy nghe, nói trước, sau đó dạy đọc, viết). Đến cuối chương trình, học sinh đọc, viết được bằng cả hai thứ tiếng.

Chương trình dạy song ngữ đã và đang mang lại hiệu quả kép. Chương trình dạy song ngữ đã và đang mang lại hiệu quả kép.

Thầy giáo Hoàng Khắc Liêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bản Phố là xã có đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số; việc triển khai dạy song ngữ Mông-Việt tại trường góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Các em học sinh dân tộc vốn rất nhút nhát, khi vào trường được học chính tiếng mẹ đẻ các em mạnh dạn, tự tin, thân thiện hơn rất nhiều. Khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt được nâng cao, học sinh hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động ở trường hơn. Các em có khả năng viết văn bằng 2 thứ tiếng, sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, nhân hóa hơn so với học sinh học chương trình đại trà.

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bắc Hà cho biết: Sau thời gian triển khai thí điểm mô hình dạy học song ngữ, học sinh các lớp học chương trình giáo dục song ngữ có ý thức rèn luyện về mọi mặt, tham gia các hoạt động của trường mạnh dạn, tự tin, tích cực có hiệu quả. Lớp học song ngữ học sinh nhanh nhẹn hơn trong học tập và vui chơi so với các lớp học khác. Đặc biệt là kĩ năng sống của các em học nổi trội hơn những học sinh không học chương trình này. Qua theo dõi, tỷ lệ chuyên cần tại Trường Tiểu học Bản Phố từ khi áp dụng mô hình dạy song ngữ luôn đạt trên 99%.

Góp phần bảo tồn và phát triển tiếng Mông

Thầy Hoàng Khắc Liêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Phố nhìn nhận: “Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, mô hình góp phần bảo tồn và phát triển tiếng Mông trên địa bàn. Bởi vì các em học sinh thì được học tập, tiếp thu kiến thức bằng tiếng Mông nên các em cũng phát huy được khả năng và thế mạnh của tiếng mẹ đẻ. Đội ngũ giáo viên thì được tập huấn, học tiếng Mông để dạy học nên các thầy cô cũng được trang bị vốn tiếng Mông cơ bản, sau này dù có chuyển công tác đi các trường khác các thầy cô giáo này sẽ là những người cùng với bà con truyền bá và phát triển tiếng Mông”.

baodantoc_mong2

Theo báo cáo của Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Lào Cai, từ năm học 2007-2008 đến nay, chương trình dạy học song ngữ ở Lào Cai được triển khai thí điểm ở các xã: Lao Chải (Sa Pa), Bản Phố (Bắc Hà) và Sín Chéng (Si Ma Cai), trong đó, bậc học mầm non từ năm học 2007-2008 và bậc tiểu học từ năm học 2008-2009. Để thực hiện mô hình thí điểm này, đã có 50 giáo viên bậc mầm non và hơn 100 giáo viên tiểu học tham gia dạy tiếng Mông. Hiện nay, mô hình đã được triển khai nhân rộng ở một số trường của 4 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Sa Pa và Mường Khương.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Lào Cai khẳng định, chương trình giáo dục song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã đạt được kết quả “kép“. HS lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 2) thích tới trường, thích đi học. Các em học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên. Kết thúc mỗi lớp học, các em đều đạt chuẩn kiến thức kỹ năng từng lớp. Bên cạnh việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, còn cải thiện chất lượng và hiệu quả của giáo dục dân tộc, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

Hiệu quả từ mô hình giáo dục song ngữ đã thấy rõ, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ hay ưu đãi cho đội ngũ giáo viên song ngữ, đây là một trong những khó khăn, khiến số lượng giáo viên đăng ký theo học chương trình này không nhiều. Bởi đặc thù giảng dạy song ngữ, giáo viên phải “cắm bản” ở các điểm trường có tập trung đông học sinh dân tộc Mông, điều kiện giảng dạy, sinh hoạt nhiều khó khăn. Ngoài ra, để thực hiện chương trình song ngữ, ngành Giáo dục cần huy động nhiều giáo viên và phải tổ chức nhiều buổi tập huấn, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý, giảng dạy...

“Những vấn đề này, ngoài ngành Giáo dục tìm giải pháp khắc phục, thì rất cần được lãnh đạo các cấp quan tâm, có cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đội ngũ giáo viên tham gia dạy song ngữ”, ông Ninh đề xuất.

TRỌNG BẢO