Đưa văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Cùng với công tác bảo tồn, truyền dạy, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHT&TDL) Lạng Sơn thường xuyên tạo ra không gian văn hóa cho các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian có cơ hội được biểu diễn, giao lưu. Thông qua các sự kiện, lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ, Bủng Kham, Hội Háng Pò, Hội Háng Pỉnh (Hội Bánh nướng) tại thành phố Lạng Sơn; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn… các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian đã biến những làn điệu dân ca, những bài diễn tấu vốn xưa kia chỉ trong các bản, làng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khác trong không gian rộng lớn hơn.
Có dịp trải nghiệm Lễ hội Háng Pò, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, vào những ngày đầu tháng 5/2024, chúng tôi như được hòa mình vào bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS nơi đây. Chương trình lễ hội được tổ chức với những tiết mục văn nghệ đặc biệt, bởi những làn điệu dân ca đặc trưng nơi đây như: Hát Then, hát Sli, hát Quan lang trong đám cưới của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao…
Những làn điệu dân ca mượt mà do các nghệ nhân của CLB sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào DTTS ở các xã trên địa bàn huyện Bình Gia biểu diễn đã làm say đắm biết bao du khách phương xa đến với lễ hội.
Chị Lường Quế Chi, du khách đến từ Thái Nguyên chia sẻ: Đến với lễ hội, tôi được trải nghiệm về nhiều nét văn hóa đặc sắc của người dân địa phương, trong đó có các làn điệu dân ca.
Chia sẻ về hoạt động của CLB sinh hoạt văn hóa dân gian, chị Triệu Thị Bảy, Phó Chủ nhiệm CLB sinh hoạt văn hóa dân gian xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia cho biết: CLB sinh hoạt văn hóa dân gian của xã thành lập được 2 năm, gồm có 20 thành viên. Từ khi CLB ra mắt, chị em thường xuyên tập luyện, tham gia biểu diễn tại các lễ hội, các sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ của địa phương. “Các thành viên của CLB rất phấn khởi khi được đem những làn điệu dân ca, những nét văn hóa của dân tộc mình giới thiệu để cho nhiều người cùng biết đến”, chị Triệu Thị Bảy phấn khởi cho biết.
Còn tại không gian phố đi bộ Kỳ Lừa của Tp. Lạng Sơn vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần đều có các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian đến biểu diễn hát dân ca phục vụ khách du lịch.
Chị Phạm Thị Nga, du khách đến từ TP. Hà Nội chia sẻ: Khi đến trải nghiệm tại Phố đi bộ Kỳ Lừa, tôi thấy có hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố rất độc đáo bởi có nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của xứ Lạng. Tôi có cơ hội được trực tiếp thưởng thức loại hình dân ca này, đây thật sự là một hoạt động thú vị.
Hiệu quả từ việc nhân rộng các CLB sinh hoạt văn hóa truyền thống
Sau 4 năm triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, từ việc xây dựng, nhân rộng các đội, CLB sinh hoạt văn hóa truyền thống, đã góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Xứ Lạng.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lạng Sơn cho biết: Triển khai thực hiện Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” (Chương MTQG 1719), Sở đã xây dựng, ban hành Kế hoạch, khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng mô hình và ra mắt các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại các xã trên địa bàn tỉnh. Việc được đầu tư, xây dựng và thành lập các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS, vừa góp phần tích cực trong việc phát triển du lịch trên địa bàn.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, từ nguồn kinh phí của Dự án 6, Lạng Sơn đã dành khoảng 6,6 tỷ đồng hỗ trợ các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh mua sắm một số trang thiết bị phục vụ hoạt động của CLB; hỗ trợ hội viên, nghê nhân… tại 22 xã đã thành lập CLB sinh hoạt văn hóa dân gian.
Nhờ được đầu tư, hỗ trợ về trang thiết bị, trang phụ biểu diễn… nhiều CLB sau khi được thành lập đã hoạt động sôi nổi, duy trì tập luyện thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương.
Bà Hoàng Thị Chuyền, 71 tuổi, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian các dân tộc Tày, Nùng xã Điềm He, huyện Văn Quan phấn khởi cho biết: Tham gia CLB không chỉ giúp chúng tôi có được tinh thần thoải mái mà còn thỏa niềm đam mê với các làn điệu dân ca dân tộc. Sau một thời gian tham gia CLB, tôi và các thành viên khác đã biết hát Then, đàn Tính và tự tin biểu diễn tại một số sự kiện trên địa bàn.
Các CLB đi vào hoạt động đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Từ việc xây dựng và nhân rộng các đội, CLB sinh hoạt văn hóa dân gian trong khuôn khổ Dự án 6 đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức của các tầng lớp Nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tạo điểm nhấn trong phát triển các sản phẩm du lịch, mang lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2023, Lạng Sơn đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến Lạng Sơn đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2023, doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng...
Văn hóa là hồn cốt, là điểm nhận diện của mỗi dân tộc. Khi những bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS đã trở thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, thì sẽ tạo nên “sức mạnh mềm” của văn hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Qua đó từng bước biến những di sản thành tài sản cho đồng bào các DTTS ở vùng cao xứ Lạng.