Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Sáng 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9, di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h. Dự báo đến 19 giờ chiều 23/7, vị trí ở 21,6 độ Vĩ Bắc, 106,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Bắc Bộ.
Mưa lớn khắp Bắc bộ
Ngày 23/7/2024, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác ứng phó với bão tại tỉnh Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; tại Cửa Ông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Gió bão đã làm 1 tàu xi măng dưới 15m, 1 xuồng cao tốc nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu trên đảo Cô Tô.
"Dự báo ngày 23-24/7, Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm; Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đô thị".
Tính từ 19 giờ đêm 22/7 đến 7 giờ sáng 23/7, khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng mưa từ 50-100mm; một số trạm lớn hơn như: Hải Phòng gồm: Cát Bà 276mm, Cát Hải 128mm; Quảng Ninh gồm: Cẩm Phả 150mm, Lòng Dinh 147mm, Than Hòn Gai 145mm, Phong Cốc 143mm; các tỉnh Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ mưa từ 20-70mm.
Trên địa bàn TP. Hạ Long, một số tuyến đường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ; cây xanh, bảng biển quảng cáo, cột điện đổ gây ảnh hưởng đến các phương tiện đi lại.
Nam Định tập trung cứu lúa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, trong đợt mưa lớn từ ngày 14/7 đến nay, lượng mưa bình quân toàn tỉnh 260mm, cục bộ một số nơi mưa to, lượng mưa lớn như: Nghĩa Hưng (463mm), Ý Yên (378mm), Nam Trực (329mm), Hải Hậu (286mm)… Đợt mưa cũng trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện nên việc tiêu úng rất khó khăn, gây ngập úng và có nguy cơ gây thiệt hại nặng cho các trà lúa Mùa. Ước tính toàn tỉnh có khoảng 35.000ha lúa (50% diện tích) phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện: Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh.
Từ đêm 22/7 đến trưa 23/7, tại tỉnh Nam Định đang tiếp tục hứng chịu mưa lớn, nguy cơ diện tích lúa bị ngập trắng sẽ càng tăng lên. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đề nghị các địa phương: Khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp. Những diện tích lúa bị ngập úng dưới 48 giờ khả năng thiệt hại nhỏ, chờ sau khi nước rút 3-4 ngày chăm sóc theo quy trình hướng dẫn. Những diện tích lúa bị ngập trắng và phất phơ từ 48-72 giờ khả năng thiệt hại khoảng 30-70% số cây. Do đó, cần tận dụng mạ dư, mạ dự phòng để cấy dặm hoặc cấy dồn. Hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 8/8/2024.
Thanh Hóa Kiểm tra hồ chứa
Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa theo phương châm "4 tại chỗ" đang được thực hiện tốt, sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra sự cố. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng đang đáp ứng tốt sức chứa, đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai do bão số 2 gây ra.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 6.037 phương tiện/21.691 lao động. Tính đến chiều 22/7, có 5.377 phương tiện/17.957 lao động đã neo đậu tại bến. Hiện còn 660 phương tiện/3.734 lao động đang hoạt động trên biển; cụ thể, tại khu vực Vịnh Bắc Bộ 654 phương tiện/3.674 lao động; Nam Biển Đông 6 phương tiện/60 lao động. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 2 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.
Chủ động đẩm bảo an toàn cho người dân
Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định: có 28 trọng điểm đê điều xung yếu (Quảng Ninh 2, Thái Bình 8, Hải Phòng 10, Nam Định 8).
Hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Đối với miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông. Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh.