Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Bão RAI vào biển Đông, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp ứng phó

H. Thanh- Ngọc Hà - 22:36, 17/12/2021

Chiều 17/12/2021 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão RAI.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão RAI với 28 tỉnh, thành phố ven biển
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão RAI với 28 tỉnh, thành phố ven biển

Tại đầu cầu Trung ương có sự tham dự của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban; Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT; Đại diện một số Ban, cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT; Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (ƯPSC & TKCN). Cuộc họp được kết nối trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chủ trì bởi Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các ban ngành liên quan.

Diễn biến bão RAI

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão RAI là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm và lại có hướng di chuyển lên phía Bắc là hết sức bất thường, rất hiếm gặp. Cơn bão chịu tương tác của khối không khí lạnh từ phía Bắc nên diễn biến lại càng phức tạp, khó lường, không loại trừ đi gần bờ hoặc đổ bộ vào đất liền

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với tất cả địa phương ven biển để ứng phó bão
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với tất cả địa phương ven biển để ứng phó bão

Siêu bão RAI hình thành trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, đến chiều qua (16/12) bão đạt cấp 16 (siêu bão), giật trên cấp 17. Đêm qua, siêu bão RAI đổ bộ vào khu vực miền Trung của Phi-líp-pin, cường độ suy yếu không còn ở cấp siêu bão. Đến 13 giờ ngày 17/12, bão RAI có vị trí ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Đông Bắc đảo Pa-la-oan (Phi-líp-pin), cường độ mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25-30km/h. Như vậy, chiều nay, bão RAI sẽ vượt qua phía Bắc đảo Pa-la-oan, đi vào khu vực Giữa Biển Đông, trở thành bão số 9 năm 2021. Sau khi vào Biển Đông, cường độ bão giảm xuống cấp 13-14, giật cấp 17, đây vẫn là cấp bão rất mạnh.

Dự báo vị trí và đường đi của Bão RAI
Dự báo vị trí và đường đi của Bão RAI

Từ ngày 19/12, dự báo bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng Bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ (từ Khánh Hòa đến Quảng Trị) cường độ suy yếu dần còn cấp 11-12, giật cấp 15. Đến sáng 20/12, khi cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135km/giờ). Với sai số dự báo 72 giờ là khoảng 200-220km, hoàn toàn có khả năng tâm bão sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên ngày 19-20/12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta.

Đối tượng sẽ có nguy cơ cao bị tác động bởi bão rất lớn, gồm người và các phương tiện tàu cá, tàu vận tải hoạt động trên biển, phương tiện thủy nội địa, lồng bè nuôi trồng thủy sản; các dàn khoan, công trình dầu khí, hệ thống công trình đê, kè nhất công trình đang thi công dở dang; các hồ chứa nước... đòi hỏi công tác chỉ đạo và ứng phó phải quyết liệt cả trên biển, ven biển và sẵn sàng trên đất liền.

Quyết liệt các giải pháp, kịch bạn ứng phó với bão RAI

Để chủ động ứng phó với bão RAI, chiều ngày 17/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ động triển khai xây dựng 3 phương án ứng phó với các kịch bản diễn biến của cơn bão, trong đó chú trọng vào các giải pháp ứng phó trên biển Đông, do đây là thời điểm cuối năm,  ngư dân vẫn sẵn sàng ra khơi đánh bắt cá mặc dù có cảnh báo trước. Các phương án tính toán kiểm đếm đến từng tàu thuyền đã được chỉ đạo triển khai từ tàu đánh bắt hải sản đến tàu hàng, khu neo đậu. Các phương án điều hành hồ chứa được tính toán kỹ lưỡng để chuẩn bị sẵn sàng xả lũ, tránh tình trạng xả lũ bị động dẫn đến ngập lụt khu vực hạ du từ bài học kinh nghiệm của đợt mưa lũ vừa qua.

Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài báo cáo Thủ tướng các kịch bản phòng chống bão RAI tại hội nghị trực tuyến
Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài báo cáo Thủ tướng các kịch bản phòng chống bão RAI tại Hội nghị trực tuyến

Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sơ cứu và Tìm kiếm cứu nạn cũng đã có các văn bản chỉ đạo và huy động 6.916 CBCS, 465 phương tiện các loại để sẵn sàng ứng phó bão; Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam vào tránh trú; Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ đã triển khai kịp thời công tác chỉ đạo, ứng phó với bão theo chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đã theo sát tình hình, tăng cường thời lượng đưa tin về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó.

Tại địa phương: Các tỉnh, thành phố triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT ban hành các văn bản chỉ đạo, ứng phó với bão; tăng cường thông tin truyền thông về cơn bão đến các chủ tàu, chính quyền, người dân khu vực ven biển, các đảo có nguy cơ cao chịu tác động của bão để chủ động phòng tránh. Sẵn sàng kế hoạch sơ tán bảo đảm an toàn dân cư ven biển, các khu nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trên các đảo nơi có nguy cơ cao chịu tác động của bão, cũng như ảnh hưởng bởi gián đoạn giao thương với đất liền.

Theo báo cáo tình hình cập nhật đến sáng 17/12 của Hội đồng quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai quốc gia (NDRRMC), tình hình ảnh hưởng sơ bộ đến nay như sau:01 người thiệt mạng và 2 bị thương; Tổng cộng có 83.026 hộ gia đình/332.855 người đã phải sơ tán. Số người bị ảnh hưởng trực tiếp: 44.264 người/12.829 hộ gia đình trên 262 quận, huyện; 63 thành phố bị mất điện gần, chưa được khôi phục tại thời điểm báo cáo. 01 thành phố mất thông tin liên lạc; 4503 hành khách, 2245 toa hàng, 75 tàu thuyền và 3 xe mô tô đã bị mắc kẹt tại Calabarzon, Mimaropa, Vùng 5, Vùng 6, Vùng 8, Vùng 9, và TP. Carapa.

Các bộ, ngành: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và người dân biết chủ động chỉ đạo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão; Bộ Ngoại giao tiếp tục giao bám sát, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu; Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo các địa phương đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân cư khi có tình huống…

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai: Tăng cường tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, nguy cơ rủi ro trên biển, trên đất liền; Cập nhật kịp thời kịch bản ứng phó, bám sát diễn biến thực tế để tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành; Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các ngành, các địa phương triển khai phương án ứng phó cụ thể, phù hợp với diễn biến của bão; Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí đưa tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo; Căn cứ tình hình diễn biến thực tế của bão, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức đoàn công tác tiền phương kiểm tra, chỉ đạo tại các tỉnh trọng điểm; Kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.