Sự việc mới nhất, người dân đau lòng chứng kiến clip ghi lại người chồng (võ sư Nguyễn Xuân Vinh) (Hà Nội) “tung cước” đánh vợ đang bế con nhỏ 2 tháng tuổi và trước mặt cậu con trai 6 tuổi. Hay vào hồi cuối tháng Tám, sự việc tương tự diễn ra ở TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Cũng thời gian này, ở TP. Hà Tĩnh, chị H bị chồng là anh N đánh đến gẫy tay bó bột ngay trước mặt con mình…
Khoan hãy bàn về khía cạnh pháp lý, mà hãy bàn về hậu quả của những hành vi bạo lực gây ra. Một trong những hậu quả nhìn thấy rõ ràng nhất, là những vết thương trên thịt da của người phụ nữ, những vết lằn bầm tím, những đoạn xương gẫy gập được chụp từ Xquang… là những minh chứng thật sự đau lòng. Thế nhưng vết thương trên thịt da có thể lành lại, nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai. Thế nhưng, những hậu quả vô hình không nhìn thấy nhưng sẽ lại là những vết sẹo tâm hồn vĩnh viễn trong lòng người, nhất là trong mắt trẻ thơ.
Không những vậy, đối với trẻ em, một trong những cơ chế giáo dục nhanh và hiệu quả nhất chính là cơ chế bắt chước. Không chỉ là cái hay mà cái dở chúng bắt chước càng nhanh. Chứng kiến cảnh bạo lực mà những người thực hiện không ai khác chính là bố mẹ mình, những người có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dậy trẻ sẽ trở thành một bài học khó quên. Rồi đây, khi những đứa trẻ lớn lên thì sao? Phải chăng những bài học về bạo lực luôn in hằn trong đầu óc chúng. Và rồi bạo lực lại tái diễn bạo lực. Cái vòng luẩn quẩn ấy mới thực sự là hậu quả to lớn nhất, nguy hại nhất.
Xét cho đến cùng, quan hệ vợ chồng chỉ được xác lập thông qua tờ giấy đăng ký kết hôn. Và quan hệ này có thể chấm dứt bằng một quyết định của tòa án. Thế nhưng, quan hệ cha mẹ và con sẽ là quan hệ mãi mãi, nó sẽ không bao giờ mất đi ngay cả khi mà bố mẹ chúng chia tay. Do vậy, trong hoàn cảnh nào thì những người là cha, là mẹ luôn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái của mình. Và trong những bài học mà cha mẹ dạy con xin đừng dạy những hành vi bạo lực.
KẺ SĨ