Dự Diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài ra còn có hơn 100 đại biểu là lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và Hà Nội, các cấp Hội Nhà báo và các doanh nhân, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh: Thời gian qua, mặc dù đất nước ta phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, tạo niềm tin, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Theo ông Lê Quốc Minh, trong thời gian qua, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bên cạnh đó, một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội đưa tin sai sự thật, thổi phồng quá mức sự việc với mục đích cá nhân.
“Vậy giải pháp gì để doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin với các cơ quan báo chí và báo chí cần làm gì để minh bạch hơn trong việc xử lý thông tin. Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp. Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan toả”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, doanh nghiệp đã trình bày những tham luận, phân tích làm rõ thực trạng và vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
Các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn đều khẳng định: Thời gian qua báo chí và doan nghiệp đã đồng hành cùng nhau và có những đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự e dè của một số doanh nghiệp khi cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí; đồng thời vẫn còn những bài báo xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin về hoạt động, sản phẩm của doanh nghiệp chưa khách quan, đầy đủ. Vì vậy, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí - doanh nghiệp cần được duy trì, phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động, minh bạch thông tin với báo chí. Cơ quan báo chí cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Các phóng viên, nhà báo phải thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, tránh gây hoang mang dư luận.
Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng trong môi trường truyền thông đa dạng, phức tạp hiện nay, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển đổi số. Như vậy báo chí - doanh nghiệp mới có thể chung tay xây dựng một xã hội phồn vinh, phát triển.
Kết thúc Diễn đàn, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cảm ơn các đại biểu đại diện cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, doanh nghiệp đã có những chia sẻ rất thực tế và sâu sắc tại Diễn đàn. Đồng thời hy vọng rằng, qua Diễn đàn này, đội ngũ những nhà báo, doanh nhân sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đồng hành, hợp tác nhằm cùng nhau chia sẻ khó khăn, thuận lợi vì một mục tiêu chung đó là công bằng, phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.