Tham dự Lễ Bế mạc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh. Dự Lễ bế mạc còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, địa phương, cùng các cơ quan báo chí và đông đảo công chúng.
Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Sau 3 ngày hoạt động sôi nổi và hào hứng, Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” do Hội Nhà báo Việt Nam và UBND TP. Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Hàng trăm cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí đã tụ hội về đây, trưng bày hình ảnh các sản phẩm báo chí tiêu biểu, thiết bị công nghệ tiên tiến, kỹ thuật làm báo hiện đại, nội dung đào tạo, bồi dưỡng báo chí phong phú. Với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, Hội Báo toàn quốc năm 2023 đã thu hút 87 gian trưng bày các ấn phẩm báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2022 và quý I năm 2023, với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 60 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất, cùng nhiều gian trưng bày chuyên đề tiêu biểu. Đây thực sự là cuộc hội tụ văn hóa tinh thần đặc sắc của những người làm báo.
Thông qua các gian trưng bày, các ấn phẩm, các sự kiện nghiệp vụ, văn hóa, nghệ thuật, Hội Báo toàn quốc đã vẽ nên bức tranh về những thành tựu to lớn của đất nước trong tiến trình đổi mới, nêu bật những đóng góp và sự phát triển mạnh mẽ của Báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời quảng bá các sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
“Từ ngày 17 đến ngày 19/3/2023, Hội Báo của chúng ta đã thu hút hàng ngàn lượt công chúng báo chí đến xem và thưởng thức những ấn phẩm báo chí đặc sắc; khán giả, bạn đọc, bạn nghe đài thân yêu đã tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ báo chí, giao lưu với các phóng viên, nhà báo được mến mộ, thưởng thức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn. Tinh thần tương tác, giao lưu trong các sự kiện tại Hội Báo đã kết nối những người làm báo với nhau, kết nối cơ quan báo chí với công chúng của mình, tăng thêm sự gần gũi giữa nhà báo với bạn đọc. Đây là một nét đẹp của Hội Báo toàn quốc từ nhiều năm nay”, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Hội Báo toàn quốc năm 2023 mang đến cho công chúng và các nhà báo - hội viên nhiều sự kiện nghiệp vụ có chất lượng cao, như: Tọa đàm Hội ngộ Giải A Báo chí Quốc gia; Hội thảo A.I và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn; Talkshow Người làm báo trong kỷ nguyên số; Lễ phát động Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023; Tọa đàm Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số; Chung kết Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023; Giải Bóng đá Cúp Báo Nhà báo và Công luận lần thứ II; Triển lãm Những nẻo đường Xuân; Trưng bày Xuân xưa trên báo Tết… cùng các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc của Nhà hát Tuổi trẻ.
Rất nhiều trong các hoạt động ý nghĩa trên được truyền hình trực tiếp trên sóng của đài truyền hình quốc gia, đài tiếng nói quốc gia, được tiếp sóng trên hàng chục đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố và được đưa tin, viết bài lan tỏa bởi hàng trăm cơ quan báo chí của các ban, bộ, ngành, đoàn thể.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đề nghị: Trong thời đại bùng nổ dữ liệu và chia sẻ toàn cầu trên mạng Internet hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại lớn, đặc biệt là về kinh tế báo chí, về chuyển đổi số và phương thức làm báo hiện đại. Do đó, chúng ta càng cần hơn sự đoàn kết, chung tay giữa các cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước, để cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng tới một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn, và phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa nội sinh của đất nước. Đó cũng chính là thông điệp gửi gắm của chủ đề Hội báo toàn quốc năm nay: “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”
Phát biểu tại lễ Bế mạc Hội Báo toàn quốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành và đóng góp quan trọng trong những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, Nhân dân ta trong bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến độc giả những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực. Báo chí cũng đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, báo chí kịp thời phản ánh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch; thể hiện sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục, nhất quán và hiệu quả về công tác này. Sự đồng hành, sát cánh của báo chí đã cổ vũ, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần quan trọng trong thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí, bản lĩnh, sự tìm tòi, sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, thậm chí nguy hiểm.
Hội Báo toàn quốc năm 2023 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay thu hút sự tham gia của 63 Hội Nhà báo địa phương; 60 cơ quan báo chí; khối các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng báo chí; các đơn vị cung cấp trang thiết bị báo chí truyền thông hiện đại. Đây thực sự là ngày hội lớn, giới thiệu thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ người làm báo, phản ánh nhiều góc cạnh ấn tượng của cuộc sống.
Qua 3 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy ắp các sự kiện, Hội Báo năm 2023 đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng của các nhà báo và công chúng báo chí cả nước.
Thông điệp “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” được thể hiện rõ nét qua hầu hết các sự kiện thiết thực, hấp dẫn, vừa góp phần củng cố tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các hội nhà báo địa phương, vừa tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa báo chí với công chúng.
Đặc biệt, điểm nhấn đặc sắc về các hoạt động trao đổi nghiệp vụ trong khuôn khổ Hội Báo đã bám sát những vấn đề thời sự cho thấy báo chí cách mạng Việt Nam đang theo sát xu thế chuyển đổi số, ứng dụng dụng trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, chỉ còn hơn 2 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm (21/6/1925 - 21/6/2025). Trong bối toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa khát vọng Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
“Để làm được điều đó, mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, quảng bá các giá trị tốt đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cơ quan báo chí, những người làm báo phải quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội đã tạo ra sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các cơ quan báo chí. Thậm chí chỉ một người dùng mạng xã hội, một trang thông tin cá nhân cũng có thể nhanh chóng đăng tải tin tức, sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì vậy, các cơ quan báo chí không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, hướng tới phương thức sản xuất, cung cấp thông tin đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy và cách làm, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại để làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.
Các cơ quan báo chí phải tập hợp thành một lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính về thông tin, định hướng dư luận trên không gian mạng. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số.
“Hội Nhà Báo Việt Nam - ngôi nhà chung của giới báo chí cả nước - phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, từ đó giúp “chấn chỉnh” những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Hội cần có thêm nhiều hoạt động, nhiều đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa báo chí, trước mắt là công cuộc chuyển đổi số, làm thế nào để chuyển đổi số báo chí thực sự “thấm” và tác động tích cực tới từng cơ quan báo chí, từng người làm báo”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Ngay trong tháng 3 này Chính phủ sẽ ban hành Đề án về chuyển đổi số trong báo chí. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam: Chính xác - đại chúng - nhân văn - khách quan. Đồng thời, tạo lập môi trường để những các cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo phát huy sức sáng tạo; phát triển ngành công nghiệp truyền thông của Việt Nam hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, các bộ ngành phải gắn bó hơn nữa với báo chí, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp đúng chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Ban Tổ chức và Hội đồng Giải thưởng đã chấm và quyết định: Trao 6 giải A, 15 giải B, 27 giải C, 62 giải khuyến khích cho 5 hạng mục: Bìa báo ấn tượng; Giao diện Báo Điện tử ấn tượng; Giải truyền hình ấn tượng; Giải chương trình phát thanh ấn tượng, Giải gian trưng bày ấn tượng.