Cùng dự có các nhà quản lý báo chí, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí - truyền thông, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà báo đến từ 8 nước thành viên của Liên đoàn Báo chí ASEAN (CAJ), gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Đây là Hội thảo báo chí quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam năm 2023, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất kinh nghiệm giải pháp phát triển nền báo chí Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN, là hoạt động nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến đổi mới sáng tạo báo chí, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong Liên đoàn báo chí ASEAN nói riêng và cộng đồng các nước ASEAN nói chung trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, cơ quan truyền thông, báo chí các nước thành viên ASEAN đứng trước cơ hội cũng như thách thức to lớn để tiếp tục khẳng định sứ mệnh dẫn dắt thông tin chính thống, định hướng cho cộng đồng, trao quyền lực cho người dân. Để thực hiện sứ mệnh cao cả ấy, các cơ quan báo chí sẽ không thể làm được nếu không làm cùng nhau và không chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đã có sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam với việc Chính phủ ban hành Quyết định số 348 ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
“Cuối năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố mức độ trưởng thành về chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã mạnh dạn đưa sản phẩm báo chí của mình lên không gian mạng, xuyên biên giới, đem lại trải nghiệm mới, bài học mới trong quá trình làm báo trên không gian mạng. Hội thảo ngày hôm nay là nơi để giới báo chí ASEAN trao đổi, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm trong chuyển đổi số báo chí, truyền thông, sáng kiến, cách làm tốt của các cơ quan báo chí trong khu vực để làm tốt được công việc chuyển đổi số”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự hội thảo đều nhất trí rằng, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu có tác động sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội các quốc gia. Đối với báo chí, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý nội dung, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung, kinh doanh…; từ đó tối ưu hóa quản trị tòa soạn; tạo ra những sản phẩm chất lượng, những trải nghiệm mới hấp dẫn, tiện ích và sự tiếp cận, tiếp nhận hiệu quả của công chúng, tăng các giá trị mới cho cơ quan báo chí và nền báo chí quốc gia. Một mô hình toà soạn số, với báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và báo chí tự động cần các điều kiện kỹ thuật công nghệ, nguồn nhân lực và sự đổi mới phương thức tổ chức, quản trị toà soạn.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý báo chí số tại quốc gia mình, Chủ tịch Hội đồng báo chí quốc gia Thái Lan Chavarong Limpattamapanee cho rằng cùng với xu thế phát triển số, đang có một cuộc cạnh tranh rất gay gắt giữa các cơ quan báo chí chính thống và truyền thông mạng xã hội. Khó khăn lớn nhất trong quản lý các cơ quan báo chí là phải tạo ra các nền tảng tin tức, duy trì được chuyên nghiệp, tính chính xác, cạnh tranh với các truyền thông mạng xã hội. Trong khi đó công nghệ thay đổi nhanh, các cơ quan báo chí phải tìm cách hòa nhập, tiếp thu được các thành quả công nghệ, ứng dụng trong hoạt động...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về xu hướng phát triển báo chí số trên thế giới và các quốc gia khu vực ASEAN; quản trị tòa soạn số - cơ hội, thách thức với báo chí các quốc gia khu vực ASEAN; Chiến lược chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam: cơ hội và thách thức với các cơ quan báo chí; nền tảng số và công cụ số trong quản trị tòa soạn báo chí số; ứng dụng công nghệ (AI, blockchain, XR, metaverse…) trong xây dựng và quản trị tòa soạn số; nhân lực cho vận hành tòa soạn số; công nghệ số áp dụng để xây dựng toà soạn số và hệ sinh thái cơ quan báo chí; hướng tiếp cận vấn đề từ công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, công nghiệp số, kinh tế - kinh doanh - tài chính…
Hội thảo diễn ra với 2 phiên thảo luận: “Lý luận chung về quản trị tòa soạn số” và “Quản trị tòa soạn số: Thực tiễn, kinh nghiệm và giải pháp”, hội thảo là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ tình hình, tiến trình, và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí truyền thông của các nước ASEAN. Đồng thời, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác thời gian tới nhằm cùng nhau xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.