Những cổ vật gia bảoGian hàng của tỉnh Cao Bằng trưng bày tương đối đầy đủ các hiện vật liên quan đến nghề làm Then “cha truyền con nối” của gia đình nghệ nhân Then Bế Sơn Trung, xóm Bản Co, xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa (Cao Bằng). Đó là chiếc mũ Then đời kị màu đen; mũ Then đời cụ nửa đỏ, nửa đen; mũ Then đời con nền trong đen, viền ngoài đỏ. Nghệ nhân Bế Sơn Trung giải thích, trên các mũ đều trang trí hoa văn khác nhau và có những sợi tua rua dài gắn hai bên mũ, thể hiện tầng lớp người có uy quyền và thứ bậc cấp sắc cao hay thấp của thầy Then. Thêm một bậc cấp sắc, mũ của thầy then lại thêm hai dải tua rua, thứ bậc càng cao thì sợi tua gắn trên mũ càng nhiều.
Đi cùng với những chiếc mũ Then là chiếc áo choàng dài của thầy Then. Ở mỗi bậc cấp sắc khác nhau, thầy Then sẽ đội mũ và mặc trang phục tương ứng với bậc sắc của mình. Chùm sóc nhạc cũng thể hiện thứ bậc cấp sắc của thầy Then. Bậc đầu tiên chỉ có 5 dây, bậc thứ hai lên 7 dây, bậc ba 9 dây, bậc bốn 11 dây… Ngoài ra, “bảo bối” của thầy Then còn có nhiều hiện vật khác nhau như sách cổ bằng chữ Nho; đàn Tính, quả chuông đồng (gõ để mời các cụ về), thanh âm dương; xảo cản (nơi cắm que hương); xích linh (để che giấy khi thầy Then viết chữ)…
Nghệ nhân Bế Sơn Trung cho biết, toàn bộ hiện vật liên quan đến nghề làm Then tại gian trưng bày tỉnh Cao Bằng là của gia đình ông. Gia đình ông có 7 đời làm Then nên có những cổ vật gia bảo được lưu giữ cả trăm năm nay như những chiếc mũ then đời kị, đời cụ; chiếc chuông cổ bằng đồng; những cuốn sách cổ bằng chữ Nho; bộ sóc nhạc… Riêng sách cổ được sử dụng trong nghề làm Then, gia đình ông hiện vẫn còn giữ được trên 30 cuốn. Trong các cuốn sách cổ gia bảo, có nhiều lĩnh vực thuộc các nghi lễ khác nhau được ghi chép đầy đủ quy trình từng bước như: lễ cấp sắc, lẩu Then, tang ma, hôn lễ, làm nhà, sinh đẻ, chữa bệnh, chiêm tinh học, thổ nhưỡng, âm dương, ngũ hành…
Ở tỉnh Cao Bằng, gia đình nghệ nhân Then Bế Sơn Trung được coi là “dòng dõi Then” uy tín nhất hiện còn giữ được nhiều sách cổ nhất trong nghề làm Then cha truyền con nối.
Cần có phương án bảo tồnTừ năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao trọng trách cho Viện Âm nhạc là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các địa phương có di sản Then tổ chức xây dựng Hồ sơ quốc gia “Nghi lễ Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, một trong những mảng nội dung quan trọng, cần thiết cho việc xây dựng hồ sơ chính là kết quả kiểm kê di sản Then của người Tày, Nùng, Thái tại 11 tỉnh có di sản, đó là: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên và Lào Cai.
Kết quả kiểm kê do Viện Âm nhạc công bố năm 2016 cho thấy, trên địa bàn 11 tỉnh có di sản Then thì có tổng số 799 nghệ nhân làm Then, trong đó tỉnh Lạng Sơn có 509 nghệ nhân, chiếm gần 64%. Về tổng số các hiện vật liên quan đến di sản Then (gồm: tính then, xóc nhạc, thẻn, trang phục áo, mũ, quạt, lệnh bài, chiêng, gậy, tranh thờ…) được kiểm kê tại 11 tỉnh, thành là 12.828 hiện vật, trong đó tỉnh Lạng Sơn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật nhất với 7.610/12.828 hiện vật, chiếm 59%; Về tư liệu văn bản liên quan đến di sản Then của 10 tỉnh (không có tỉnh Điện Biên) là 171 tư liệu, bao gồm cả tư liệu đã xuất bản, thư tịch cổ và tư liệu chép tay của các thầy Then.
Nói về việc bảo tồn, lưu giữ các hiện vật liên quan đến nghề làm Then của các thầy Then ở tỉnh Cao Bằng, nghệ nhân Bế Sơn Trung cho biết, phần lớn những “bảo bối” trong nghề Then là bảo vật của gia đình từ nhiều đời truyền lại. Để cấp sắc cùng các trang phục mũ áo, “đồ nghề” cho các lục hương (những người học trò theo học nghề then), thầy Then thường chuẩn bị sẵn từ nhiều năm trước đó bằng việc tự cắt may trang phục mũ áo then, đặt mua các bộ xóc nhạc qua các thợ kim hoàn ở Lạng Sơn hoặc bên nước bạn Trung Quốc.
Còn tại Lạng Sơn, Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thủy Tiên, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca tỉnh Lạng Sơn thông tin: “Trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều nghệ nhân Then biết cắt may lễ phục và làm các nhạc cụ, đồ lễ, đồ nghề trong nghề Then để cấp sắc cho nhau. Một số thợ kim hoàn người Tày, Nùng vẫn chế tác ra những bộ sóc nhạc để bán cho các thầy Then khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, theo thời gian, một số hiện vật cổ như thư tịch, sách chữ Nho đang bảo quản trong các gia đình làm Then đã bị mục nát, hư hỏng đi nhiều. Việc làm cần thiết của ngành Văn hóa là khẩn trương tiến hành sao chép, chụp ảnh, quay video toàn bộ những văn bản cổ này để lưu giữ bằng số hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân then mở các lớp truyền dạy chữ Nôm để thế hệ trẻ có thể đọc và sao chép lại được các văn bản cổ, không để di sản văn hóa nghi lễ Then trong sách cổ bị thất truyền.
NGỌC ÁNH