Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bản sắc văn hóa các dân tộc được thể hiện phong phú trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Lê Hường - 14:05, 07/03/2023

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 10-14/3/2023 với nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn. Đặc biệt là các hoạt động về văn hóa nhằm tôn vinh, lan tỏa cái đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đến du khách trong nước và quốc tế. Ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về sự kiện mang nhiều ý nghĩa này.

Ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tại buổi trao đổi thông tin

Thưa ông, trong các điểm mới của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này có nhiều hoạt động về văn hóa, ông có thể thông tin cụ thể hơn về những hoạt động này?

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, có nhiều hoạt động hấp dẫn. Bên cạnh hoạt động quảng bá, tôn vinh cà phê, tỉnh cũng đã lồng ghép các hoạt động du lịch và giới thiệu bản sắc văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng văn hóa và là cơ hội để tăng cường tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với các địa phương trong nước và quốc tế.

Cụ thể như: Lễ hội Đường phố với các chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, sẽ giới thiệu những nét đẹp văn hóa, di sản đặc trưng của vùng đất, con người Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. 

Cùng với đó là các hoạt động hành trình du lịch, gồm các nội dung như: Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ; Hội voi Buôn Đôn tổ chức nghi lễ cúng sức khỏe cho voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffer cho voi, lễ cúng và tắm cho voi; Hội Đua thuyền độc mộc với Lễ cúng hạ thủy, đua thuyền độc mộc, cúng bến nước của đồng bào M’nông… Rồi Cuộc thi Pha chế cà phê đặc sản cũng mang văn hóa riêng xuất phát từ văn hóa cà phê của người Ê Đê.

Điểm mới hấp dẫn về văn hóa trong lễ hội năm nay, còn là chương trình biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” trong Lễ hội Cà phê nhằm giới thiệu đến du khách nước ngoài biết về sử thi, đưa Sử thi Tây Nguyên ra thế giới. Một hoạt động đặc sắc khác của Lễ hội năm nay, là có sự góp mặt của Đoàn nghệ thuật của Lào về biểu diễn ở huyện Buôn Đôn và Krông Pắk;  Đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc biểu diễn ở huyện Lắk.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng Lễ hội Cà phê và quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương đến với khách du lịch trong nước và quốc tế như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc TP.Buôn Ma Thuột; Triển lãm trang phục các DTTS Việt Nam đang sinh sống tại Đắk Lắk; Lễ hội truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ea Kar; Lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, Liên hoan văn hóa cồng chiêng tại huyện Lắk; Ngày hội văn hóa dân gian dân tộc Ê Đê, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar…

Đây là chuỗi hoạt động kết hợp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS các địa phương.

Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch văn hóa cộng đồng, di tích lịch sử nổi tiếng trên địa bàn tỉnh cũng được các doanh nghiệp lữ hành chú trọng quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng như kiến trúc nhà dài, văn hóa thổ cẩm, các nghề truyền thống, ẩm thực, sản vật địa phương, văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và văn hóa, lịch sử cây cà phê trên vùng đất Tây Nguyên.

Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” là một trong các hoạt động chính của Lễ hội
Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” là một trong các hoạt động chính của Lễ hội

Thông qua các hoạt động, sự kiện Lễ hội sẽ mang lại kỳ vọng gì cho địa phương, thưa ông?

Các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội, là cơ hội để kết nối, quảng bá văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, tiềm năng du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa, kinh tế về cà phê, nâng tầm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột thành điểm đến của cà phê thế giới.

Như chương trình nghệ thuật: “Khát vọng Dam Săn” trong Lễ hội Cà phê lần này nhằm giới thiệu đến du khách nước ngoài biết về sử thi, đưa sử thi Tây Nguyên ra thế giới. Hội đua thuyền độc mộc huyện Lắk, thể hiện đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc M’nông sống gần hồ Lắk với nghề đánh bắt thủy sản. Hội Voi Buôn Đôn mang đặc trưng của vùng đất một thời nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, các nét đẹp văn hóa liên quan đến voi, đặc trưng văn hóa Lào.

Phấn khởi nhất là, Lễ hội năm nay không chỉ diễn ra ở TP. Buôn Mà Thuột mà tất cả các huyện, thị xã và nhiều đơn vị, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Các huyện được ủy quyền tự xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng nên khai thác tối đa thế mạnh từng địa phương mà không bị trùng. Với các chuỗi sự kiện điểm khác biệt về văn hóa, mỗi địa phương khai thác đặc trưng riêng sẽ làm du khách không bị nhàm chán. Chính điều đó sẽ giữ chân du khách lâu hơn, muốn khám phá nhiều hơn.

Công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành cho ngày hội
Công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành cho ngày hội

Chỉ còn ít ngày nữa Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột chính thức khai hội. Đến thời điểm này công tác chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Với không khí triển khai khẩn trương, hiệu quả, đúng tiến độ, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho các hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 tại TP.Buôn Ma Thuột và các địa phương đã cơ bản hoàn tất. Công tác truyền thông, vận động tham gia lễ hội, an ninh, đối ngoại, lễ tân và hậu cầu cũng được thực hiện tích cực, đảm bảo./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.