Tham dự Hội thảo có ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Dân tộc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn… các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; Đại diện Tổ chức Apheda (Úc); Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế -xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Trung du và miền Núi Bắc bộ (TD&MNBB).
Việc tổ chức Hội thảo cũng góp phần triển khai Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vùng TD&MNBB bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người DTTS, chiếm trên 56 % dân số của vùng và chiếm gần 50 % số người DTTS của cả nước. Đến nay, vùng TD&MNBB vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Bên cạnh đó, vùng TD&MNBB còn là địa bàn có nhiều DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, như: Dân tộc Cống, Mảng, Cờ Lao, Lô Lô, Pu Péo, Si La...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vùng TD&MNBB quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS. Đặc biệt là các vấn đề hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn trong vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; phát triển sản xuất, văn hóa - xã hội và xóa đói giảm nghèo, triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, lao động ở nước ngoài để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp, tham gia chuỗi liên kết, kết nối hộ gia đình với doanh nghiệp - hợp tác xã để tổ chức sản xuất... Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, cần chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.
Theo GS.TS. BS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em, nâng cao thể trạng của Nhân dân cũng là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng TD&MNBB. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai một số chương trình/ dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và người dân vùng Trung du và miền núi Bắc bộ như: dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm đói nghèo đảm bảo an ninh thực phẩn hộ gia đình đặc biệt những gia đình phụ nữ tuổi sinh đẻ ở những vùng nghèo có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em và bà mẹ cao; xây dựng mạng lưới cán bộ y tế, dinh dưỡng vững mạnh để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Tại Hội thảo, đại biểu đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên và các chuyên gia đều có những tham luận và báo cáo về thực trạng, những tiềm năng, lợi thế và thách thức của địa phương trong phát huy liên kết phát triển bền vững kinh tế vùng. Vai trò của kinh tế số, định hướng phát triển nền công nghiệp, nông nghiệp, bản sắc văn hóa các DTTS vùng TD&MNBB với những con số, chỉ tiêu và định hướng cụ thể.