Tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Phương, Phó trưởng Ban Dân tộc TP. Cần Thơ đã thông tin cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn thành phố; đồng thời chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Ông Phương cho biết thêm, TP. Cần Thơ có 27 thành phần DTTS sinh sống với trên 38.000 người, chiếm tỷ lệ 3,04% tổng dân số của thành phố. Hiện nay, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Cần Thơ thực hiện 7/10 dự án bằng nguồn ngân sách địa phương...Với những tiềm năng sẵn có về điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý và lịch sử của địa phương, cùng với chính sách và cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội, Cần Thơ kỳ vọng sẽ phát triển một cách bứt phá, trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL và hướng đến một thành phố thịnh vượng đáng sống.
Trao đổi về tình hình thực hiện Chương trình MTQG 1719, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội cho biết: TP. Hà Nội là địa phương triển khai sớm nhất trong cả nước và đã tập trung nguồn vốn gần 220 nghìn tỷ đồng dành cho Chương trình này. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Ban Dân tộc đã tham mưu nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền cho Người có uy tín với mức 900 nghìn/1 tháng từ năm 2021 đến nay.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Tào Việt Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương mong muốn, qua đợt học tập, trao đổi kinh nghiệm lần này, sẽ giúp cho các thành viên trong đoàn công tác có thêm những kiến thức, kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực công tác trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn TP. Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.