Là cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, trải qua 20 năm, những kết quả nổi bật của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đạt được là gì, thưa bà?
Bà Đinh Thị Thảo: Trong suốt 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã luôn đồng hành cùng với Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình, thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng được giao.
Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân tộc với nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” và quan điểm “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị”, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành các văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Phân công cụ thể các cấp, các ngành triển khai, thực hiện, gắn với việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 07/11/2018 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 28/02/2014 triển khai Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 19/11/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc; Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 07/11/2018, của Tỉnh ủy Hòa Bình về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới, cùng hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn…
Hằng năm trong chương trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đều chú trọng nội dung “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao đời sống của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với đồng bằng.
Cùng với đó, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá một số chủ trương, chính sách, chương trình, dự án quan trọng đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, như: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc; Tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 (hợp phần Chương trình 135); Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn bản khó khăn nhất của tỉnh; công tác giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn các giai đoạn của tỉnh.
Với những nỗ lực trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào trong 20 năm qua, thưa bà?
Bà Đinh Thị Thảo: Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các Chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia, đến hết năm 2022 có 8 xã thuộc huyện Tân Lạc; 3 xã thuộc huyện Đà Bắc đã thoát khỏi diện xã đặc biệt khó khăn và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2022 là 12,29%, trong đó: Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi là 13,11%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn là 27,69%.
Đồng bào DTTS được trang bị, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trang bị kiến thức cho hộ nghèo để bố trí, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, thông qua thực hiện các mô hình sản xuất được chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất. Qua đó làm tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở vùng đồng bào DTTS. Các mô hình làm kinh tế và hộ gia đình làm kinh tế giỏi đã xuất hiện ngày càng nhiều trong vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của tỉnh từng bước được đầu tư. Đời sống văn hoá của Nhân dân được cải thiện, văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát triển, nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hoá mới được khuyến khích. Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường.
Trong giai đoạn tới, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng là thách thức rất lớn, đặc biệt việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bà có thể chia sẻ quyết tâm của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình trong việc thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới?
Bà Đinh Thị Thảo: Đối với tỉnh Hòa Bình, công tác dân tộc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng là thách thức rất lớn, bởi đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm rất thấp. Đây là vùng “lõi nghèo” của cả nước và của tỉnh. Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét diễn ra nghiêm trọng khó lường; giao thông đi lại khó khăn, chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó khăn để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế ở vùng đồng bào DTTS nhìn chung còn chậm phát triển, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh thấp. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS của tỉnh còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc ngày càng tăng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập. Một số nét đẹp về bản sắc văn hoá truyền thống trong các DTTS đang có xu hướng bị mai một, mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào còn thấp. Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc một số nơi còn yếu, một số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Cấp uỷ Đảng, chính quyền và các đoàn thể Nhân dân ở một số nơi hoạt động hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng DTTS còn nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng và nguồn lực tài chính còn hạn chế.
Trong giai đoạn mới, với vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì trong việc tham mưu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình rà soát, xác định đối tượng, địa bàn, đối tượng cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực khó khăn có đông đồng bào DTTS, tiến tới hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những xã còn lại chưa đạt nông thôn mới.
Trên cơ sở đó tham mưu ban hành các văn bản và chỉ ra được những nhiệm vụ cụ thể, giải quyết những vấn đề căn cơ, cấp thiết của đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào DTTS ở những khu vực thôn, xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, thì việc triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 là tiền đề rất quan trọng. Trong giai đoạn 2021 - 2023, cơ quan công tác dân tộc đã tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, là cơ sở quan trọng để tổ chức triển khai Chương trình MTQG 1719 cho từng năm và cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các xã có khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; ưu tiên giải quyết các khó khăn trong điều kiện sinh kế và điều kiện sống của đồng bào DTTS trên địa bàn.
Phát huy thành tích trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, với niềm tin sâu sắc vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Ủy Ban Dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, sự phối hợp giúp đỡ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Đồng thời mong muốn, các đồng chí lãnh đạo các sở, ngành được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công theo dõi xã, nhất là các đồng chí được phân công theo dõi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn sẽ dành nhiều thời gian và tâm huyết cho đồng bào, đồng hành cùng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình trong việc nắm bắt toàn diện những vấn đề liên quan. Kịp thời có kiến nghị đề xuất, góp phần cho sự phát triển toàn diện của các xã. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc của tỉnh Hòa Bình tin tưởng rằng, công tác dân tộc sẽ tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và chăm lo cho đồng bào dân tộc thực sự được nâng cao về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.
Xin cảm ơn bà!