Tỉnh Đắk Lắk hội tụ 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 35,7% dân số, phân bố ở cả 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 71 xã khu vực I; 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Sau khi chia tách, sát nhập, giải thể hoặc đổi tên thôn, buôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, dự kiến tỉnh Đắk Lắk còn 472 thôn, 2 buôn đặc biệt khó khăn.
Những năm gần đây, đời sống cùa đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và ngày càng cải thiện. Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 10,49%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 23,08%.
Theo báo cáo Kết quả thực hiện hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Ban Dân tộc tỉnh đã có những tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ngành thực hiện Chương trình. Đến nay, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh, 15/15 Ban Chỉ đạo cấp huyện; 130 Ban Quản lý xã. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai, thực hiện Chương trình. Năm 2023, dự toán vốn sự nghiệp Đắk Lắk được phân bổ gần 472,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương gần 429,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vốn đã thực hiện và giải ngân hơn 101 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Dự án Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, 6 tháng qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị tập huấn tại 8 huyện với 1.011 học viên tham gia; cấp 1.011 tờ rơi tuyên truyền; tổ chức thực hiện Mô hình điểm “Khu dân cư phòng, chống tội phạm ma túy” trên địa bàn xã Ea Wy, huyện Ea H’leo…
Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS; tham mưu giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm ổn định vùng đồng bào DTTS; chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháo luật của đồng bào DTTS; đôn đốc, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc...
Tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần Người có uy tín trong đồng bào DTTS, hộ đồng bào DTTS gặp thiên tai; tổ chức đưa Đoàn đại biểu Người có uy tín tham dự Chương trình biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc, Đoàn đại biểu Người có uy tín tham quan, học tập kinh nghiệm; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những hạn chế yếu kém, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách dân tộc…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến với 28 nội dung, nêu lên những khó khăn cần tháo gỡ trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đại diện các sở, ngành cũng có những chia sẻ với khó khăn của các huyện, đồng thời trao đổi một số nội dung trong thẩm quyền của sở, ngành để địa phương có căn cứ triển khai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Dân tộc Lê Ngọc Vinh chia sẻ: Ban tiếp thu đẩy đủ và tổng hợp các ý kiến của địa biểu. Trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG của tỉnh sắp tới và Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục có ý kiến, tháo gỡ khó khăn để việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719 hiệu quả.