Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bản Bận-19 năm liền không có người sinh con thứ 3

PV - 19:33, 30/01/2018

Bản Bận thuộc xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là điểm sáng về công tác dân số của huyện với thành tích 19 năm liên tục không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Có được những kết quả đó, cũng nhờ vào đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ dân số thôn bản nơi đây.

Hơn 20 năm nay, dấu chân của người cán bộ dân số Lương Thị Xanh đã in khắp đường làng, ngõ xóm ở bản Bận để tuyên truyền cho bà con nơi đây về dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Chị Lương Thị Xanh (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền về KHHGĐ. Chị Lương Thị Xanh (ngoài cùng bên phải) tuyên truyền về KHHGĐ.

 

Được biết, bản Bận là nơi sinh sống của 73 hộ với 305 nhân khẩu, trong đó 100% đều là người dân tộc Thái. Trước đây, bà con ở bản Bận vẫn còn tư tưởng cố gắng đẻ con trai bằng được để nối dõi dẫn đến tình trạng đẻ nhiều con. Cũng vì thế, khó khăn lớn nhất trong công tác dân số chính là làm tốt được tư tưởng cho người dân.

Để bà con biết được việc sinh đẻ nhiều thì cuộc sống khó khăn, không có thời gian chăm lo cho con cái, chị Xanh đã đi đầu làm gương. “Mình phải tuyên truyền liên tục, đến tận nhà vận động, giao chị em hội viên xung quanh giúp đỡ, giải thích cụ thể cặn kẽ hơn. Cứ suy từ bố mẹ, ông bà mình ra là biết mà, sinh nhiều con là khổ. Bố mẹ khổ rồi, không thể để con cái khổ nữa, phải để cho các con đi học. Học xong ở xã thì ra huyện học, xuống tỉnh học nữa. Mà nghèo đói, đông con thì làm sao cho con học được. Được học nhiều thì biết nhiều, làm ăn kinh tế cũng dễ hơn”, chị Xanh chia sẻ.

Nhờ sự kiên trì “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” của chị Xanh, bà con bản Bận đã có bước chuyển lớn về nhận thức. Nhiều gia đình dù sinh con một bề cũng đã biết dừng lại ở 2 con và có ý thức hơn trong việc chăm lo phát triển kinh tế. Nhờ đó mà 19 năm qua, bản Bận luôn là địa phương tiêu biểu của huyện Quỳ Châu trong phong trào Dân số-KHHGĐ.

Hiện bản có 44 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó 13 cặp vợ chồng sinh con một bề nhưng toàn bộ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng biện pháp tránh thai và kí cam kết không sinh con thứ 3. Không những thế, đời sống bà con ở bản Bận ngày càng ổn định, nhiều gia đình đã sắm đầy đủ tiện nghi, con cái chăm ngoan học giỏi, an ninh thôn được đảm bảo. Tỷ lệ nghèo giảm từ 70% năm 1998 đến nay chỉ còn khoảng 42%.

Tiêu biểu như gia đình anh Vi Văn Phúc, trước đây là hộ nghèo, nhờ sự tuyên truyền của chị Xanh đã tiên phong tự nguyện ký cam kết với bản không sinh thêm con thứ 3. Nhờ tập trung làm kinh tế và chăm lo dạy bảo con cái, đến nay, gia đình anh Phúc chị Phượng đã thoát nghèo và xây dựng được ngôi nhà khang trang.

Anh Phúc chia sẻ: “Mình đẻ ít, đẻ thưa, mới có thời gian chăm sóc con cái, có thời gian làm kinh tế. Bây giờ con trai, con gái gì cũng bình đẳng rồi, mà chưa chắc sinh nhiều con trai đã tốt hơn sinh con gái. Cái quan trọng là mình chăm sóc, nuôi dạy con như thế nào cho tốt thôi”.

Nhờ có những người nhiệt tình và trách nhiệm như chị Xanh mà bây giờ bản Bận đã có một gương mặt mới, tạo ra bước chuyển biến đáng kể về nhận thức của người dân trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên đáng kể.

HOÀNG QUÝ

 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.