Rút kinh nghiệm về phòng chống rét trong những năm trước đây, ngay từ sau tết khi thời tiết chuyển rét, đồng bào Thái, Khơ Mú tại hai xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm huyện Thanh Chương (Nghệ An), đã chủ động chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc.
Bà con không thả gia súc vật nuôi vào rừng, mà đưa về nhà để nuôi nhốt trong chuồng trại để chống rét. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ đồng bào để ứng phó với rét đậm để hạn chế thiệt hại về người và đàn vật nuôi.
Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Trịnh Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Đến thời điểm hiện tại, ở Ngọc Lâm và xã Ngọc Sơn chưa xảy ra thiệt hại do rét đậm. Đồng bào đã ý thức được bảo vệ sức khỏe, chuẩn bị đầy đủ chăn màn để chống rét.
Đối với đàn vật nuôi, thức ăn được chuẩn bị đầy đủ về lượng kể cả về chất. Ngoài ra, khi có dự báo rét đậm, rét hại về, UBND huyện đã cử cán bộ Phòng Nông nghiệp lên xã để tặng bạt che chắn chuồng trại, cũng là cách mà huyện thực hiện để tuyên truyền cho bà con.
Tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi có 100% đồng bào Chứt sinh sống. Khi thời tiết dự báo có rét đậm, đồng bào cũng đã chuẩn bị chăn màn đủ ấm, củi để sưởi ấm để bảo đảm sức khỏe. Đối với đàn vật nuôi, nhờ được mùa ngô vụ Đông nên có đủ thức ăn có tinh bột. Ngoài ra, đàn trâu bò thả rông trong rừng đã được bà con lùa về chuồng trại để tiện chăm sóc trong những ngày rét. Nhờ chủ động phòng chống, nên không có tình trạng trâu bò chết rét.
Quảng Bình là địa phương ghi nhận đợt rét đậm rét hại lịch sử, đối với bà con vùng đồng bào DTTS sinh sống ở vùng cao , về ban đêm nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ xuống dưới 8 độ C.
Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết, những ngày gần đây trên địa bàn xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất trong nhiều năm quan. Đã có 18 còn trâu, bò chết ở các xã vùng biên như Tân Hóa, Thượng Hóa.
"Để bảo vệ đàn gia súc, bà con đã có chuẩn bị từ trước như che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn đầy đủ; chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo bà con không chăn thả gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đốt củi sưởi ấm để gia súc chống rét...", bà Bê chia sẻ.
Huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cũng là nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Để ứng phó với rét, không để thiệt hại về người và đàn vật nuôi. Ngay từ khi có dự báo rét đậm rét hại, chính quyền địa phương đã cử nhiều đoàn đi cơ sở, đặc biệt là lên với các xã vùng trên như Trường Xuân, Trường Sơn để tuyên truyền cho đồng bào cách chống rét đậm, rét hại. Bên cạnh đó, nhờ rút kinh nghiệm từ các đợt rét của năm trước, đồng bào đã chủ động ứng phó kịp thời hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Việt, một hộ gia đình ở xã Trường Xuân, chăn nuôi nhiều trâu, bò chia sẻ: “Khi có dự báo rét đậm, rét hại về, gia đình tôi đã cho hết trâu bò về chuồng. Ngoài ra, chuẩn bị thức ăn xơ và tinh bột đủ để đàn trâu bò ăn trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Không riêng gì gia đình tôi, những hộ trong bản đều chủ động phòng chống rét cho người và trâu bò. Có gia đình chuẩn bị cả củi để đốt sưởi ấm ngay trong chuồng cho trâu bò”.
Tuy nhiên ở nhiều nơi như huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Hướng Hóa (Quảng Trị), và nhiều địa bàn khác ở miền núi phía Bắc, vẫn có tình trạng trâu bò bị chết do rét. Nguyên nhân phần lớn vẫn là do đồng bào vẫn vẫn giữ thói quen thả rông trong rừng, khe suối trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Bên cạnh đó, bà con không chuẩn bị thức ăn, bổ sung thêm tinh bột cho trâu bò tăng sức chống chịu với rét.