Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bạc Liêu: Chăm lo chuyện an cư cho đồng bào Khmer nghèo

Tú Trung - 11:58, 26/07/2023

Những năm qua, đời sống đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều bước chuyển đáng kể. Đây là kết quả từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Trong đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Mạnh thường quân trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho chị Sơn Thị Chanh Thi (đứng thứ 4 từ trái qua).
Mạnh thường quân trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho chị Sơn Thị Chanh Thi (đứng thứ 4 từ trái qua)

Dù chăm chỉ làm lụng, nhưng nhiều năm nay, vợ chồng chị Thạch Thị Pên, ở ấp Nước Mặn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi vẫn chưa thể xây cất được căn nhà kiên cố.

Nhà chị Pên chỉ có vỏn vẹn 1 công (1.000 m2) đất rẫy, nguồn sống chủ yếu phụ thuộc vào tiền làm thuê của chồng và người con trai. Công việc bấp bênh nên thu nhập không được bao nhiêu, vì vậy gia đình cứ luẩn quẩn trong nghèo khó. Căn nhà của gia đình chị đã quá xập xệ, chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào, song vì phải lo miếng cơm, manh áo nên vợ chồng chị đành chấp nhận.

Thấu hiểu với hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng chị, Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng căn nhà mái ấm tình thương trị giá 50 triệu đồng. Chị Pên chia sẻ: “Khi hay tin được hỗ trợ tiền xây nhà, nhiều đêm tôi không chợp mắt được vì không nghĩ có ngày vợ chồng tôi sẽ có được căn nhà kiên cố để ở. Chúng tôi cám ơn Hội LHPN huyện và mạnh thường quân nhiều lắm, từ nay chúng tôi có nhà kiên cố, sẽ cố gắng làm ăn để không phụ lòng quan tâm, giúp đỡ của mọi người”.

Đại diện Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi hỗ trợ tiền xây dưng nhà tình thương cho chị Thạch Thị Pên.
Đại diện Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi hỗ trợ tiền xây dưng nhà tình thương cho chị Thạch Thị Pên

Còn với gia đình chị Sơn Thị Chanh Thi, ở ấp Lam Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải lại có hoàn cảnh đặc biệt hơn chị Pên. Không có mảnh đất cắm dùi, gia đình chị gồm 6 nhân khẩu đành sống chen chúc trong căn chòi lá ven sông. Mỗi khi trời mưa lớn nước tạt tứ bề, những ngày thủy triều lên thì nước dâng vào nhà, cuộc sống vô cùng khổ sở.

Ghi nhận khó khăn của gia đình chị, tháng 4/2023, chính quyền xã Long Điền Tây đã vận động Ban Từ thiện Tp. Bạc Liêu hỗ trợ gia đình chị 40 triệu đồng để làm căn nhà tình thương, ngay trước thềm Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer.

Chị Pên, chị Thi là hai trong hàng chục hộ đồng bào Khmer nghèo trong toàn tỉnh Bạc Liêu được sống trong mái ấm nghĩa thương, với sự đùm bọc của cộng đồng. Không chỉ vận động làm nhà, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương còn tranh thủ vận động các nhà tài trợ hỗ trợ tư liệu sản xuất, vốn, vật dụng sinh hoạt giúp các gia đình đồng bào Khmer nghèo có thêm điều kiện phát triển sản xuất, tạo sinh kế để có cuộc sống đủ đầy hơn.

Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, từ nguồn vận động xã hội hóa, sự đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, trong năm 2023, đơn vị đặt mục tiêu xây dựng 10 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 40 triệu đồng) cho đồng bào Khmer nghèo khó khăn về nhà ở. Đến thời điểm này, đã xây dựng được 5 căn. Những căn còn lại sẽ cố gắng hoàn thành để bà con sớm có mái nhà kiên cố, tạo động lực để bà con xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.