Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bắc Hà (Lào Cai): Đa dạng phương thức tuyên truyền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế

Lạc Lạc - 10:24, 17/10/2022

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) là địa bàn có sự phân bố dân cư rải rác, nhiều đồng bào DTTS cùng sinh sống, rào cản về ngôn ngữ, gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH. Thế nhưng với sự nỗ lực, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, thời gian qua, Bắc Hà đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Huyện Bắc Hà có đông thành phần DTTS sinh sống nên cần linh hoạt trong tuyên truyền chính sách BHXH.
Huyện Bắc Hà có đông thành phần DTTS sinh sống nên cần linh hoạt trong tuyên truyền chính sách BHXH.

Bắc Hà là huyện miền núi, có diện tích 681 km², dân số gần 68 nghìn người, gồm 18 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng trên 47% dân số trong toàn huyện. Các dân tộc khác còn lại là Kinh, Dao, Tày, Nùng, Phù Lá, Hoa,.. kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông nên cuộc sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH.

Thế nhưng, tại đây, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể chính trị đã rất đồng lòng trong công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tại huyện luôn là một điểm sáng của tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 58.441 người tham gia BHYT chiếm tỷ lệ bao phủ gần 87% dân số, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 750 người đạt 70%. Bắc Hà là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh trong khối huyện về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện.

Xác định để hoàn thành chỉ tiêu bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần đắc lực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị, BHXH huyện Bắc Hà đã tăng cường phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đăng tải các phóng sự, chuyên đề, tin, bài trên các khung giờ truyền hình và truyền thanh. 

Cùng với phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng nội dung tuyên truyền qua băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tại các điểm: chợ, nhà văn hóa, UBND các xã, thị trấn. Với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các khu phố, bản tuyên truyền qua loa truyền thanh, chú trọng tuyên truyền vào các khung giờ trưa hoặc chiều tối, vì đây là thời điểm người dân lao động về nhà nghỉ ngơi có thời gian nghe…

Đồng thời, để thống nhất trong chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, BHXH huyện đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập các ban tuyên vận, tổ tuyên vận cùng các già làng, trưởng bản, Người uy tín, tổ trưởng tổ dân phố để là cầu nối tiếp cận người tham gia tiềm năng theo phương châm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, mưa dầm thấm lâu, lấy người dân làm trung tâm để tư vấn, vận động tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Ðặc biệt, kết hợp tuyên truyền tại trụ sở BHXH cho người dân khi tới thực hiện các thủ tục thanh toán bảo hiểm hoặc mua, đổi bảo hiểm, để từ đó mỗi người dân có thể là một tuyên truyền viên hỗ trợ tuyên truyền về các chính sách cho người thân, gia đình, bạn bè, cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống. Sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải các chính sách, lợi ích của trường hợp được BHXH chi trả, bảo vệ…

Theo ông Đặng Văn Viễn Giám đốc BHXH huyện Bắc Hà: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số hình thức tuyên truyền đông người được BHXH hạn chế và chuyển đổi sang lựa chọn hình thức tuyên truyền không tập trung đông người, phân chia thành từng nhóm đối tượng ít người, không quá 10-20 người (tùy thời điểm) hoặc đến từng hộ tuyên truyền. BHXH huyện chú trọng xây dựng nội dung tuyên truyền dựa trên tiêu chí: “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ” từ đó người dân tự nguyện tham gia các loại bảo hiểm.

Cùng với đó, BHXH huyện Bắc Hà đã tổ chức ký hợp đồng Đại lý thu BHXH, BHYT với 19/19 xã, thị trấn và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện lập danh sách hội viên chưa tham gia BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện để chú trọng tuyên truyền, vận động tham gia, tránh tuyên truyền dàn trải, không trọng tâm. Tuyên truyền thông qua các hội nghị, tập huấn, ngày lễ, kỷ niệm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2), ngày BHYT 1/7.

Theo chia sẻ của anh Lý Seo Sử, dân tộc Mông xã Tà Chải: “Trước đây chúng tôi được nhà nước cấp phát miễn phí BHYT. Tuy nhiên, xã Tà Chải vừa được công nhận nông thôn mới nên chúng tôi không được hưởng chính sách này nữa. Nhờ các tư vấn viên đã nhiệt tình, phân tích cặn kẽ, có sự so sánh được mất. Các tư vấn viên lại nói chuyện bằng tiếng của Mông, nên tôi cảm thấy dễ hiểu và tiếp tục tham gia BHYT tự nguyện. Ngoài tôi còn có rất nhiều người trong xã tiếp tục tự nguyện tham gia BHXH và BHYT.

Với những kết quả đã đạt được, BHXH huyện Bắc Hà tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của ngành đưa ra, tập trung đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân tham gia BHXH, BHYT để được hưởng các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.