Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bắc Giang: Quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở

Cam Phúc - 10:49, 30/05/2023

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế cơ sở, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Y tế về thực hiện nhiệm vụ năm 2023 (tháng 4/2023)
Ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang làm việc với Sở Y tế về thực hiện nhiệm vụ năm 2023 (tháng 4/2023)

Cánh tay nối dài của ngành Y tế

Ở xã đặc biệt khó khăn Trường Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), đội ngũ y tế cơ sở phát huy vai trò là cánh tay nối dài của ngành Y tế trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng.

Xã Trường Sơn cách trung tâm huyện Lục Nam hơn 20 km về phía Đông. Nơi đây có hơn 7,3 nghìn người dân sinh sống rải rác ở 13 thôn với nhiều DTTS như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu. Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và ngành Y tế, Trạm Y tế xã được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Mỗi năm Trạm tiếp đón hơn 4.000 lượt người dân đến khám, chữa bệnh.

Trạm Y tế xã Trường Sơn có 8 cán bộ, viên chức, trong đó có 2 bác sĩ (1 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ y học cổ truyền). Địa bàn rộng, dân cư lại sống rải rác, nên đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài đắc lực, giúp các y, bác sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhiều người dù tuổi đã cao song vẫn nhiệt tình gắn bó.

Trong số 13 cộng tác viên y tế thôn, thì có 6 người đã hơn chục năm theo nghề. Như bà Nhữ Thị Hòa, 63 tuổi, làm công tác dân số từ năm 1998, đến nay là Trưởng thôn Lầm. Bà Hòa chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của bà con bao đời nay, như khi đau ốm tự lấy lá chữa bệnh mà không đến Trạm Y tế, tự sinh con tại nhà, chưa thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh... Bởi vậy chúng tôi luôn đi từng ngõ, gõ từng nhà, kiên trì vận động, giải thích để người dân biết cách chăm sóc sức khỏe”.

Bằng trách nhiệm với bà con, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ở Trường Sơn đã dần tạo nên những chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 5 năm gần đây, 100% phụ nữ có thai được quản lý thai nghén, sinh con tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng dịch đạt gần 100%.

Trạm Y tế xã Trường Sơn đạt Chuẩn quốc gia lần đầu vào năm 2007, đến năm 2021 được công nhận lại lần 2. Nhờ thụ hưởng các chương trình, dự án mà xã có thêm nguồn lực đầu tư cho y tế. Trạm có dãy nhà cấp 4 khang trang, đầy đủ các phòng khám và phòng điều trị bệnh; trang thiết bị y tế. Trung bình mỗi tháng thu hút từ 300 - 350 bệnh nhân đến khám, điều trị. Mong muốn người dân được tiếp cận dịch vụ y tế, phù hợp với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhiều năm nay, Trạm phân công cán bộ thường xuyên đến các gia đình khám sức khỏe định kỳ cho người già, thương binh, bệnh binh, người không đi lại được.

Định kỳ 6 tháng 1 lần, Trạm tổ chức đưa bà con khám sức khỏe tập trung tại Trung tâm Y tế huyện, cử nhân viên đi cùng hướng dẫn quy trình, thủ tục (xã có ô tô dịch vụ đưa bà con đi khám chữa bệnh). Người mắc bệnh sẽ được các bác sĩ đưa vào hồ sơ quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị hằng tháng. 

Các bác sĩ Trạm Y tế xã Trường Sơn kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân địa phương
Các bác sĩ Trạm Y tế xã Trường Sơn kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân địa phương

Chú trọng đầu tư cho y tế cơ sở

Theo báo cáo của Sở Y tế, quý I năm 2023, tổng số lượt khám bệnh toàn tỉnh đạt 530,5 nghìn lượt (đạt 23% kế hoạch năm), tăng 88,7 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2022. Số lượt điều trị nội trú toàn tỉnh là 58 nghìn, tăng 31,7% so với năm 2022. Toàn tỉnh có 258 cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân được phân cấp quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm.

Bên cạnh những cơ sở y tế hoạt động rất hiệu quả như Trạm Y tế xã Trường Sơn, thì cũng có nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Thiếu thuốc, thiết bị, y bác sĩ, thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT... dẫn đến nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến trên.

Triển khai thực hiện Dự án 7 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 về: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có cuộc làm việc với ngành Y tế tỉnh. Tại buổi làm việc, các đại biểu và lãnh đạo tỉnh đã cùng trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, như mua sắm thiết bị, vật tư y tế cho trung tâm y tế một số huyện; tuyển nhân lực cho y tế cơ sở; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số...

Đặc biệt, về công tác nhân sự, ông Mai Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: "Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, mỗi bác sĩ, nhân viên y tế càng phải cố gắng rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, tận tâm cống hiến, cứu chữa người bệnh".

Với trạm y tế các xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho các trạm y tế ngày càng khang trang, hiện đại, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Kiên Giang: Khai giảng nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn

Ngày 07/11, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh đồng loạt khai giảng nhiều khóa bồi dưỡng tiếng Khmer năm 2024, với 160 học viên là cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương tham gia. Các khóa học diễn ra tại các địa bàn: huyện Giồng Giềng, TP. Rạch Giá và TP. Hà Tiên.