Tỉnh Bắc Giang có khoảng 16,2% là người DTTS, chủ yếu cư trú ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bị chia cắt bởi núi, đồi, sông, suối...; một bộ phận người dân còn hạn chế trong tiếp cận chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, thiếu hiểu biết về chính sách pháp luật nên tình trạng vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội do thiếu hiểu biết vẫn diễn ra ở một số nơi.
Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được hiệu quả, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã đạt hiệu quả khá cao. Xác định điều này, các cấp, các ngành quan tâm đến Người có uy tín thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, Hội thảo, Hội nghị cung cấp thông tin, thăm quan học tập kinh nghiệm... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hòa giải hiệu quả.
Bằng uy tín và am hiểu thực tiễn địa phương, đội ngũ Người có uy tín đã tích cực tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn; giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Theo thống kê, trong 05 năm qua từ 2019 - 2024 đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tổ chức và tham gia trên 2.300 cuộc vận động, tuyên truyền, hòa giải ở cơ sở; vận động các hộ dân hiến trên 4.300m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng trường học, làm nhà văn hóa và xây dựng các công trình điện lưới; hòa giải hàng trăm hộ tranh chấp đất lâm, nông nghiệp; vận động hòa giải trên 100 vụ bạo lực gia đình, trên 700 lần hòa giải tranh chấp cá nhân không để dẫn tới khiếu kiện vượt cấp...
Anh Phạm Văn Gioóng, dân tộc Hoa, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín thôn Vặt Ngoài, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) cho biết, thôn có 07 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Hoa sống rải rác trên các sườn đồi thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), anh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến trên 8.000m2 đất làm đường (bản thân gia đình hiến 400m2) và cứng hóa hết số đường giao thông của thôn 13.200m, chiều rộng từ 3.5 mét trở lên.
“Những nội dung công việc có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến đóng góp. Thôn có một ban hòa giải duy trì hoạt động có hiệu quả, cùng với chính quyền đã hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn giữa các gia đình kịp thời”, anh Gioóng chia sẻ.
Nhờ có những Người có uy tín như thế, phong trào hiến đất, hiến ngày công làm đường trở nên sôi động. Và cũng cho thấy, các hoạt động vì cộng đồng là trách nhiệm chung của mỗi người, không phải công việc của riêng ai...
Bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Vài năm trở lại đây, diện mạo NTM tại một số địa phương của huyện có nhiều khởi sắc, các tuyến đường bê tông mới mở xuất hiện ngày càng nhiều. Kết quả ấy có dấu ấn không nhỏ của những Người có uy tín. Bằng trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, am hiểu phong tục tập quán, tín nhiệm của cộng đồng dân cư, Người có uy tín đã trở thành cầu nối, hạt nhân trong các phong trào tại khu dân cư”.
Hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có 523 Người có uy tín hoạt động tại 523 thôn thuộc 80 xã của 06 huyện miền núi. Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, do một số người DTTS nhận thức hạn chế nên Người có uy tín đóng vai trò lớn, giúp thay đổi nhận thức cũng như hành động của người dân.
“Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động Hội nghị đối thoại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho Người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong cộng đồng”, ông Quyền nhấn mạnh.