Ông Huỳnh Văn Đức ở khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền cho biết: Niên vụ trước, trung bình 5 sào muối của gia đình, mỗi vụ (15 ngày) chỉ thu được khoảng 3,5 tấn. Tính ra, làm muối cả năm thu hoạch được khoảng 25 tấn. Những tháng đầu năm nay, thời tiết thuận lợi nên năng suất muối vượt trội. Chỉ tính riêng vụ muối sau Tết Nguyên đán, đã cho thu hoạch đến 5 tấn. “Nếu duy trì năng suất như thế này, cộng với giá bán muối ổn định (hiện là 1,1 triệu đồng/tấn-cao nhất trong vòng 5 năm qua), gia đình tôi có thể thu lãi khoảng 25 đến 30 triệu đồng cho niên vụ”.
Tuy nhiên, theo ông Đức, giá muối thời gian qua không được ổn định do đầu ra phụ thuộc vào thương lái và việc vận chuyển muối đưa đi tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, mong muốn của bà con diêm dân là có doanh nghiệp đứng ra hợp đồng thu mua muối với diêm dân để đảm bảo tiêu thụ ổn định, giúp người sản xuất muối yên tâm.
Gần đây, để tăng năng suất, sản lượng muối, nhiều hộ diêm dân đã áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt. Anh Nguyễn Văn Thành, một trong những người tiên phong sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt chia sẻ, năm 2017 trở về trước, giá muối giảm mạnh, trung bình chỉ ở mức 400 đồng/kg muối thô và 500-700 đồng/kg muối trải bạt. Với giá đó, sau khi trừ chi phí, diêm dân lãi ít, thậm chí nhiều hộ phải bù lỗ và có người phải chuyển nghề vì quá bấp bênh. Đó cũng là nguyên nhân khiến diện tích muối giảm.
Hiện nay, nhà ông Thành có 4ha muối trải bạt và 1ha muối đất, vụ đầu tiên đã thu về khoảng 30 tấn/ha và hiện đang chuẩn bị thu vụ tiếp theo. Cũng theo ông Thành, muối sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, người dân đã có tiền trả nợ từ những vụ muối thất bại hoặc đầu tư trang thiết bị để sản xuất muối sạch.
Từ nay cho đến khi kết thúc vụ muối còn hơn 2 tháng, nếu thời tiết thuận lợi, giá muối được duy trì thì diêm dân sẽ có một vụ muối bội thu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, niên vụ 2018-2019 toàn tỉnh có 714ha diện tích sản xuất muối, giảm khoảng 92,8ha so với niên vụ 2017-2018; trong đó, diện tích muối thô là 679ha, diện tích muối trải bạt là 35ha. Mỗi năm, nghề làm muối của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 tấn muối. Bình quân mỗi ha, diêm dân thu được gần 50 triệu đồng đối với muối truyền thống và khoảng 106 triệu đồng đối với muối trải bạt.
Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương sửa chữa và xây dựng các hệ thống cơ sở hạ tầng để phục vụ diêm nghiệp, trong đó có dự án nạo vét 4 kênh dẫn nước mặn vào ruộng muối, tiêu thoát nước mưa ra sông, xây dựng 2 bãi tập kết muối tại huyện Long Điền, với tổng kinh phí 42,3tỷ đồng.
Bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Chi cục đang xây dựng kế hoạch làm việc, hợp tác với các địa phương như: Kiên Giang, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh và những địa phương sản xuất nước mắm có nhu cầu tiêu thụ muối với số lượng lớn để tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu “Muối Bà Rịa”…
Bên cạnh đó, Chi cục cũng sẽ tham mưu với Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến muối, vừa tạo đầu ra ổn định, vừa nâng cao giá trị của muối Bà Rịa-Vũng Tàu. Đồng thời, tạo điều kiện cho diêm dân được hưởng các chính sách ưu đãi về ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại để phát triển nghề muối truyền thống vốn có từ bao đời nay.
BẰNG GIANG