Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Bình Định: Công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS góp phần tạo đà phát triển triển kinh tế - xã hội

T.Nhân-H.Trường - 12:11, 10/02/2024

Thực hiện Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tích cực triển khai nhiều hoạt động và đã đạt được những kết quả ban đầu. Trong đó, nổi bật là truyền dạy trống K’toang, Cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm truyền thống… cho lớp trẻ. Phóng viên báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trò chuyện với bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao Bình Định (Sở VH&TT) về vấn đề này.

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT Bình Định
Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VH&TT Bình Định

 Hiện nay Chương trình MTQG 1719 đã đi vào thực tiễn, ngành Văn hoá Bình Định đã nỗ lực vận dụng nhiều nguồn lực để làm tốt công tác bảo tồn vào phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS. Xin bà thông tin một số kết quả nổi bật trong việc triển khai?

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo: Trong năm 2022 và 2023, từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh giao, Sở VH&TT đã tổ chức 2 lớp tập huấn, truyền dạy văn hoá phi vật thể của đồng bào Ba Na, Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm); tổ chức phục dựng, bảo tồn, phát huy 1 lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ba Na…

Bên cạnh đó, Sở đã phân bổ kinh phí hỗ trợ 22 tủ sách cộng đồng cho 22 xã/thị trấn; hỗ trợ thiết bị âm thanh, trang phục truyền thống cho 4 đội văn nghệ được thành lập tại các nhà văn hóa thôn; hỗ trợ trang thiết bị văn hóa, thể thao cho 21 nhà văn hóa, khu thể thao thôn/làng.

Sở phối hợp với Sở Du lịch và các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân thực hiện tuyên truyền lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ba Na để xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 điểm đến du lịch tiêu biểu; tổ chức 3 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi ở xã Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) và xã An Toàn (huyện An Lão).

Ngoài ra, Sở tổ chức tọa đàm “Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định”, nhằm thảo luận tìm giải pháp xây dựng được các sản phẩm du lịch mang đặc trưng và độc đáo thu hút khách du lịch.

Kinh phí từ Dự án 6 còn dùng để thực hiện xây mới và cải tạo, nâng cấp (khuôn viên, tường rào cổng ngõ, sân bên tông, sơn sửa…), 23 nhà văn hóa, khu thể thao thôn/làng; thực hiện hỗ trợ hơn 30 đội văn nghệ được thành lập tại các nhà văn hóa thôn; hỗ trợ trang thiết bị cho 51 nhà văn hoá, khu thể thao thôn; tổ chức 2 lớp tập huấn, truyền dạy văn hoá phi vật thể; Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn di sản văn hoá…

Sở VH&TT Bình Định thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, trống K’toang cho các học viên
Sở VH&TT Bình Định thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, trống K’toang cho các học viên

 Được biết, trong thời gian qua, ngành VH&TT Bình Định đặc biệt quan tâm đến việc truyền dạy nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng, trống K’toang và truyền dạy dệt thổ cẩm cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo: Trong những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh Bình Định đã chú trọng xây dựng các Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, từ khi triển khai Dự án 6 (Chương trình MTQG 1719), ngành Văn hóa đã tập trung khảo sát hướng dẫn các địa phương thành lập các câu lạc bộ dân ca, nhạc cụ dân tộc, tổ chức sinh hoạt định kỳ qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương và tham gia trình diễn nhân các ngày hội lớn của địa phương, tỉnh.

UBND các xã đã tiến hành thành lập các Câu lạc bộ dân ca và nhạc cụ dân tộc, như: Câu lạc bộ dân ca và nhạc cụ dân tộc Hrê xã An Trung; Câu lạc bộ dân ca và nhạc cụ dân tộc Bana xã An Toàn, huyện An Lão; Câu lạc bộ cồng chiêng làng M2, M3 xã Vĩnh Thịnh, Làng Thạnh Quang xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, Câu lạc bộ văn hóa dân tộc ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Vĩnh Thạnh (bao gồm cồng chiêng múa xoan, dệt thổ cẩm, đan đát, hát dân ca).

Đồng thời duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi và các Liên hoan, hội thi … để các địa phương, nghệ nhân, đặc biệt là các bạn trẻ có dịp giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Trong năm 2022, 2023, Sở VH&TT phối hợp cùng các huyện tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy văn hoá phi vật thể tiêu biểu của đồng bào cho các đối tượng là người DTTS đặc biệt là các bạn trẻ. Theo đó, việc tổ chức các lớp truyền dạy về nhạc cụ dân tộc như cồng chiêng, trống K’toang và truyền dạy dệt thổ cẩm được các học viên đã tích cực tham gia.

Qua các lớp truyền dạy, học viên được trang bị những nội dung cơ bản về vị trí, vai trò các loại hình văn hóa phi vật thể trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Chăm Hroi, Ba Na nói riêng, về thực trạng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

 Mặc dù triển khai chưa lâu, nhưng Chương trình MTQG 1719 cũng đã lan tỏa đến cộng đồng và mở ra cơ hội mới để phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, quan điểm của lãnh đạo Sở VH&TT Bình Định về vấn đề này như thế nào?

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo: Bên cạnh các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào được các cấp các ngành quan tâm bảo tồn và phát huy, thì chính người đồng bào DTTS cũng đã dần nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, nhất là các bạn trẻ. Chính điều này đã thúc đẩy họ có những hành động thiết thực hơn khi tích cực tham gia các hoạt động như sinh hoạt trong các CLB nghệ thuật truyền thống, tham gia tập luyện và trình diễn tái hiện các lễ hội có nguy cơ mai một.

Những giá trị văn hoá tốt đẹp của người đồng bào DTTS ở Bình Định ngày càng được phát huy
Những giá trị văn hoá tốt đẹp của người đồng bào DTTS ở Bình Định ngày càng được phát huy

Thông qua việc xây dựng các homestay, tổ chức các tour, tuyến tham quan các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương…người dân vừa có thể phát triển kinh tế gia đình, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc mình đến các du khách trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, ngành Du lịch của tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng các Đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó hướng đến khai thác tài nguyên du lịch hiện có của các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh… Trong thời gian sắp tới Sở VH&TT sẽ phối hợp với ngành Du lịch và các địa phương được thụ hưởng tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, phục dựng các Lễ hội truyền thống tốt đẹp để xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương, cùng với việc hỗ trợ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, ngân sách địa phương và sự chung tay của cả cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần tạo đà phát triển triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh. Đồng thời, qua đó tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Trân trọng cảm ơn bà !

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Cần tháo gỡ những vướng mắc trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS

Sóc Trăng: Cần tháo gỡ những vướng mắc trong hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang mang lại nhiều chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động vùng đồng bào DTTS tại Sóc Trăng, nổi bật là việc thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, việc thực hiện Tiểu dự án 3 này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi cùng bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng.