Nghe đâu, tại cuộc họp sơ kết quý I về công tác bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã gửi đến toàn lực lượng kiểm lâm tỉnh này một bức tâm thư. Đại khái là, Phó Chủ tịch tỉnh đặt câu hỏi: Có hay không việc lực lượng kiểm lâm bắt tay, bao che cho lâm tặc?
Chẳng rõ, tại hội nghị sơ kết đó, anh em kiểm lâm hưởng ứng như thế nào khi nghe bức tâm thư của lãnh đạo tỉnh. Nhưng sau một thời gian, có lẽ là để suy ngẫm, những tờ đơn xin nghỉ việc đã được gửi đến từng đơn vị.
Không ai có thể đoán định được tâm trạng của những người xin nghỉ việc. “Sông sâu còn có thể dò/Có ai lấy thước mà đo lòng người”.
Chỉ biết rằng, sau các vụ phá rừng nghiêm trọng và nhiều cán bộ đã bị kỷ luật, cách chức, dù thế nào cũng gây hiệu ứng tâm lý phức tạp. Thậm chí, bức tâm thư của lãnh đạo tỉnh trở thành một áp lực.
Nhưng xét cho kỹ, bức tâm thư của Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng là một áp lực đối với ông, thể hiện một sự cô độc của ông trong việc bảo vệ những cánh rừng già không còn “chảy máu”.
Bởi như ông đã chia sẻ, trong bối cảnh Quảng Nam là tỉnh còn có diện tích rừng lớn, nhưng lực lượng kiểm lâm quá mỏng, hiện 170 xã có rừng nhưng chỉ có 70 cán bộ chuyên trách, còn lại một số thì kiêm nhiệm.
Cụ thể hơn, với gần nửa triệu ha rừng, bình quân một kiểm lâm địa bàn dù cố gắng chịu đựng gian khổ, chân mòn gối mỏi cũng khó đi hết địa bàn quản lý khoảng một vạn ha rừng trong mỗi chuyến tuần tra. Ấy là chưa kể, lực lượng đã mỏng nhưng anh em kiểm lâm Quảng Nam lại già yếu (chiếm 45% quân số), mất sức vì ở trên rừng quá lâu.
Vậy thì lấy gì giữ rừng?
Câu hỏi này không khó trả lời, chẳng qua ông Thanh cũng như lực lượng kiểm lâm Quảng Nam đang tự tạo thế cô độc cho chính mình. Bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu”.
Để giữ rừng, sao không để người dân ở nơi có rừng tham gia hiệu quả? Nhưng để người dân ở gần rừng bảo vệ rừng thì chính quyền phải làm thế nào để giữ được cái… dạ dày của họ trước đã.
Có sinh kế, không còn đói nghèo, người dân ở rừng sẽ bảo vệ rừng.
SỸ HÀO