Từ tình yêu côn đảo
Xuất phát từ Cầu tàu 914 về hướng Cảng tàu khách Côn Đảo, anh Thắng nhặt rác phần sát mép nước. Chị Cúc đi song song nhưng sát mé bờ. Mấy hôm nay triều cường sóng lớn, rác từ đại dương dạt vào nhiều. Một số bị vùi dưới cát. Có những tay lưới dài, hai anh chị phải gọi nhau cùng đào bới rồi gắng sức kéo mới lấy lên được.
Gần 1 tiếng cúi, nhặt, đào, trời nhá nhem tối cũng là lúc chiếc bao tải trên vai chùng xuống, hai vợ chồng tiến vào bờ phân loại rác. Chai nhựa, bao nylon, lưới… tái chế được được gom vào một bao. Đồ sành, sứ, thùng xốp không tái chế được, anh chị cột chặt vào một túi nhỏ rồi chuyển đến thùng rác công cộng gần đó. “Phải cột chặt để xe rác thu gom không bị vương vãi ra đường”, anh Thắng giải thích.
Anh Thắng (SN 1982) làm nghề lái xe, chị Cúc (SN 1985) là hướng dẫn viên du lịch tự do. Cả hai đều sống ở TP.Vũng Tàu, mới ra Côn Đảo lập nghiệp từ năm 2017. Những ngày đầu trên đảo, vợ chồng anh tham gia cùng cư dân và tình nguyện viên trên đảo nhặt rác như một thú vui. Song càng đi càng thấy biển trời Côn Đảo quá đẹp, nhưng rác thải từ đại dương dạt quá nhiều. “Nhận thấy phải làm gì đó để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) đến người dân và du khách để tất cả cùng chung tay giữ cho Côn Đảo sạch đẹp, vợ chồng tôi bảo nhau cố duy trì thói quen này đến nay được hơn 3 năm rồi”, anh Thắng cho biết.
Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Mỗi khi làm hướng dẫn viên cho khách, chị Cúc còn lồng ghép các hoạt động BVMT tại Côn Đảo để du khách cùng tham gia. Chị Cúc cho hay, rác thường tập trung nhiều tại bãi Đầm Trầu và bãi An Hải. Khi đưa khách đến khu vực này tham quan, chị mang theo túi và dụng cụ thu gom rác rồi kêu gọi khách cùng tham gia nhặt rác tại những nơi đi qua. Chị cũng không quên ghi lại hình ảnh đó và đăng tải trên Facebook cá nhân như một cách tuyên truyền, nhắc nhở mọi người chung tay BVMT.
Việc làm của anh Thắng - Chị Cúc lan tỏa đến nhiều người. Chị Lê Thị Mộng Nghi, bán nước giải khát trên đường Tôn Đức Thắng cho biết, ban đầu chị thấy lạ với việc làm của vợ chồng nhà anh Thắng, nhưng sau đó thấy hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại hằng ngày đã tác động đến chị. “Những lúc nhàn rỗi, tôi cũng theo chân hai vợ chồng đi khắp đảo dọn vệ sinh môi trường. Quá trình buôn bán, tôi luôn nhắc khách không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định”, chị Nghi cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Côn Đảo không chỉ có vợ chồng anh Thắng và chị Cúc tích cực nhặt rác mà còn có sự chung tay góp sức của rất nhiều tình nguyện viên. Các nhóm như: “Đội tình nguyện vì màu xanh Côn Đảo”, “Nhặt rác tại bãi Ông Đụng”, “Tôi yêu Côn Đảo”… lần lượt ra đời minh chứng cho tình yêu của họ với Côn Đảo. Sau giờ làm việc và ngày cuối tuần, anh Thắng - chị Cúc và các nhóm tình nguyện lại rong ruổi trên các tuyến đường ven hồ An Hải, hồ Quang Trung, Chùa Núi Một, bãi biển Lò Vôi, bãi Đầm Trầu… nhặt rác kết hợp vận động người dân, du khách không tụ tập ăn nhậu, xả rác.
Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, các lực lượng tình nguyện như vợ chồng anh Thắng - chị Cúc trở thành cánh tay đắc lực giữ vệ sinh môi trường cho Côn Đảo. Thông qua việc làm bền bỉ của họ đã tác động vào ý thức, trách nhiệm không chỉ người dân và du khách, khiến mọi người thêm ý thức chung tay BVMT Côn Đảo.
Các lực lượng tình nguyện như vợ chồng anh Thắng - chị Cúc trở thành cánh tay đắc lực giữ vệ sinh môi trường cho Côn Đảo. Thông qua việc làm bền bỉ của họ đã tác động vào ý thức, trách nhiệm không chỉ người dân và du khách, khiến mọi người thêm ý thức chung tay BVMT Côn Đảo.”
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo