Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ánh sáng của tình hữu nghị

Mạnh Cường- Nguyễn Thanh - 21:22, 19/09/2023

Vượt suối, băng đèo cõng vật liệu xây dựng hệ thống chiếu sáng giữa lúc nắng cháy, hay khi mưa sa… là hình ảnh của những chiến sĩ áo xanh mang ánh sáng về cho bà con trên dải đất biên cương ở Quảng Bình và nước bạn Lào. “Ánh sáng vùng biên” không chỉ đơn thuần là ánh đèn điện mà còn là ánh sáng từ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ánh sáng của tiến bộ, văn minh chiếu rọi tới bản làng của đồng bào vùng biên.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây

Thắp sáng cho mình...

Bản Dốc Mây là một bản xa tít tắp của xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Đúng như tên gọi Dốc Mây, để đến được bản, phải vượt qua hành trình đồi núi trập trùng đầy gian nan, vất vả.

Mấy năm trước, mỗi khi màn đêm buông xuống, bản Dốc Mây chìm trong bóng tối tĩnh lặng của núi rừng Trường Sơn. Thỉnh thoảng có vài ánh đèn dầu hắt ra từ mái nhà của đồng bào Vân Kiều, Chứt nơi vùng giáp biên. Do vậy, việc đi lại của bà con vào buổi tối vô cùng vất vả và bất tiện.

Nhưng nay, câu chuyện ấy đã không còn nữa. Bản vùng biên này đã thực sự đổi thay, bắt đầu từ những con đường rợp màu cờ đỏ, những thửa ruộng xanh mướt hai bên và cả những cột đèn đường mới được dựng lên.

Trong niềm vui của sự đổi thay, ông Hồ Xy, Trưởng bản Dốc Mây là người vui hơn hết. Ông phấn khởi nói: “Nhờ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cả thôi. Đời sống bà con đã thay đổi nhiều, bà con biết canh tác, sản xuất, chăn nuôi, con trẻ được học cái chữ. Nhiều tuyến đường cũng được xây dựng các cột đèn thắp sáng rồi!”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn vượt suối, băng rừng để xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và Đoàn Thanh niên xã Trường Sơn vượt suối, băng rừng để xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Dốc Mây

Để có những cột đèn thắp sáng bản Dốc Mây là cả một hành trình vô cùng gian khó. Từ trung tâm xã Trường Sơn vào bản chỉ 20km nhưng là đường rừng phải đi qua nhiều khe suối và dốc đá cheo leo. Quãng đường trập trùng ấy đi bộ đã khó, “cõng” theo cả vật liệu, thiết bị lắp đặt cột đèn thì khó khăn càng bội phần.

Thượng tá Lê Văn Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô kể lại: Với quyết tâm kéo Dốc Mây gần hơn với miền xuôi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô cùng bà con dân bản đã huy động hàng trăm ngày công để vận chuyển 20 cột điện, bóng đèn từ đơn vị vào bản...

Bản Mò O Ồ Ồ ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cũng là bản vùng biên còn quá nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Xuất phát từ ý tưởng chia sẻ với những khó khăn của người dân nơi biên giới, nhất là tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện vào ban đêm, đầu năm 2019, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Đồn Biên phòng Cà Xèng phối hợp thực hiện thí điểm xây dựng đèn điện chiếu sáng với tổng chiều dài 2,5km, trị giá hơn 31 triệu đồng.

Mô hình “Ánh sáng vùng biên” ở bản Mò O Ồ Ồ chính là công trình đèn đường được thắp sáng bởi hệ thống đèn năng lượng mặt trời. Trưởng bản Mò O Ồ Ồ - Cau Xuân Long rạng rỡ: “Chính các anh BĐBP đã mang ánh sáng lên với bản, giúp dân bản có điều kiện đi lại, thăm hỏi lẫn nhau và tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào ban đêm”.

Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương bàn giao công trình “Ánh sáng vùng biên” ở xã Dân Hóa (Minh Hóa)
Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương bàn giao công trình “Ánh sáng vùng biên” ở xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa)

Trong câu chuyện vui, vị Trưởng bản này bộc bạch: “BĐBP còn làm đường, dựng nhà cho dân ở; dạy chữ cho bà con; hỗ trợ cây giống, vật nuôi, hướng dẫn trồng trọt, khám, chữa bệnh miễn phí đấy!”.

Hiệu quả của mô hình “Ánh sáng vùng biên” chính là niềm vui lớn mà bà con dân bản đang thụ hưởng hằng ngày. Từ hiệu quả thiết thực ấy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, triển khai nhân rộng ở nhiều địa bàn trong tỉnh. Nay, mô hình này đã lan ra ở 94 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 16 xã, phường khu vực biên giới, vùng biển, vùng đồng bào có đạo.

Kể từ khi khởi xướng mô hình “Ánh sáng vùng biên” vào đầu 2020, các đơn vị BĐBP tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 4.500 ngày công, phối hợp xây dựng 101 công trình đèn điện chiếu sáng với tổng chiều dài gần 96km; tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, tại các bản, làng trên tuyến biên giới Việt Nam-Lào.

Đánh giá về ý nghĩa mô hình này, lãnh đạo BĐBP tỉnh Quảng Bình khẳng định: Mô hình thực sự mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biên giới. Các công trình đã giúp nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng khu vực biên giới. Đây là mô hình tiêu biểu minh chứng cho tình đoàn kết quân-dân, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP với Nhân dân, đồng bào các DTTS khu vực biên giới.

...và thắp sáng cho bạn

Với tinh thần quan tâm, sẻ chia, BĐBP Quảng Bình đã mang sứ mệnh của người chiến sĩ quân hàm xanh, thắp sáng biên cương nước bạn.

Đó là tháng 7/2022, hơn 20 cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Bình đã cắt rừng, vượt núi sang bản Na Chắt, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) tổ chức thi công công trình “Ánh sáng vùng biên” trao tặng Nhân dân nước bạn.

Những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tham gia thi công công trình “Ánh sáng vùng biên” ở bản Na Chắt, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) kể lại: Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương bên ấy. Bà con rất tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, nghỉ; nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ vận chuyển thiết bị, đào hố dựng cột điện, lắp bóng đèn, kéo đường dây... Nhờ vậy, công trình có chiều dài 1,5km với 48 cột và bóng đèn đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Trẻ em vui chơi dưới ánh điện chương trình “Ánh sáng vùng biên”
Trẻ em vui chơi dưới ánh điện chương trình “Ánh sáng vùng biên”

Công trình “Ánh sáng vùng biên” ở bản Na Chắt, huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào) là một trong những hoạt động trọng tâm trong Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào cấp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong năm 2022. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Công trình mang ý nghĩa rất đặc biệt bởi BĐBP tỉnh Quảng Bình là đơn vị đầu tiên đưa ra ý tưởng và triển khai thực hiện. Sau bản Na Chắt, ánh sáng đèn điện sẽ được thắp sáng ở nhiều bản làng khác trong thắm tình hữu nghị đoàn kết quân - dân hai bên biên giới.

Trên các bản làng biên cương xa xôi, thêm một công trình “Ánh sáng vùng biên” hoàn thành, đồng nghĩa với việc đời sống người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn miền núi thêm phần khởi sắc. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.