Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

An ninh nguồn nước cho đồng bào DTTS

Sỹ Hào - 08:41, 01/11/2019

Thiên tai bất thường đã làm nhiều công trình cấp nước sinh hoạt (NSH) cho người dân miền núi không phát huy đúng công năng. Ngoài ra, chất lượng nguồn nước ở khu vực này cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Công trình cấp NSH ở khu vực miền núi thường gặp sự cố khi mưa lũ. Ảnh TL
Công trình cấp NSH ở khu vực miền núi thường gặp sự cố khi mưa lũ. Ảnh TL

Bài 2: Nỗi lo về chất lượng


Thường xuyên gặp sự cố

Thời gian qua, từ nhiều chương trình, dự án, người dân khu vực miền núi đã được đầu tư nhiều công trình NSH. Nhưng thời tiết bất thường khiến cho việc vận hành các công trình cấp NSH cho người dân miền núi thường gặp sự cố.

Vào mùa nắng hạn, nhiều công trình cấp NSH ở khu vực miền núi không hoạt động do suối khô, sông cạn. Nhưng vào mùa mưa lũ, không ít công trình cũng không thể cấp nước do bị đất đá vùi lấp, hư hỏng; việc sửa chữa, khắc phục là rất khó khăn, tốn nhiều kinh phí.

Công trình cấp NSH tập trung có vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng ở thị trấn Mường Lát (huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) là một ví dụ. Đợt mưa lũ cuối tháng 8/2018 đã cuốn trôi, vùi lấp hệ thống dẫn nước kéo từ núi bản Poọng (xã Tam Chung) về thị trấn Mường Lát, “cắt đứt” nguồn NSH của người dân trên địa bàn.

Sau sự cố, tỉnh Thanh Hóa đã “hỏa tốc” phê duyệt phương án đầu tư đường cấp nước tạm thời (5km) từ đập đầu nguồn Pom Puôi, đấu nối vào hệ thống cấp nước cũ, kinh phí thực hiện 3,5 tỷ đồng. Nhưng hoàn lưu bão số 3, số 4 năm 2019 (xảy ra cuối tháng 8) gây mưa lớn, lũ quét cũng đã phá hủy đường cấp nước tạm thời này.

Vì thế, từ cuối tháng 8/2018 đến thời điểm này (tháng 11/2019), thị trấn Mường Lát khan hiếm NSH. Toàn thị trấn có hơn 2.500 hộ dân thì gần 1.700 hộ thiếu NSC trầm trọng; mọi khe suối đều được tận dụng triệt để.

Không chỉ ở thị trấn Mường Lát mà rất nhiều công trình cấp NSH ở khu vực miền núi có tuổi thọ không cao; tỷ lệ cấp nước rất thấp do thường xuyên bị lũ quét, sạt lở đất. Khảo sát của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại 19.004 công trình cấp NSH trên địa bàn 8 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Hòa Bình, Cao Bằng, Lào Cai) cho thấy, tỷ lệ cấp nước chỉ đạt 34,5% so với thiết kế ban đầu.

“Khát” nước và nguy cơ dịch bệnh

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2012 đến nay, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ NSH đã triển khai ở miền núi. Chỉ tính riêng thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, tại 52 tỉnh vùng DTTS đã có 476 công trình NSH tập trung được xây dựng; ngoài ra đã có 249.251 hộ được hỗ trợ nước phân tán. Nhưng đến thời điểm này, toàn vùng vẫn còn 313.219 hộ thiếu NSH.

Thiếu NSH nên người dân miền núi phải sử dụng nước rất tiết kiệm. Như cách giáo viên, học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã thực hiện từ cuối tháng 8/2018 đến nay: Tắm rửa thì tìm những vũng có nước tích tụ từ các mạch nước ngầm; nước vệ sinh thì dồn các loại NSH vào một bể để dùng dần...

Việc bắt buộc phải tiết kiệm NSH theo cách này là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bởi nguồn nước (nước ngầm và nước bề mặt) ở khu vực miền núi đã bị ô nhiễm do trong quá trình canh tác, người dân đã “quá tay” sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cùng với đó là tập quán chăn nuôi thả rông; ngoài ra còn nhiều nguồn gây ô nhiễm bất thường khác cũng luôn thường trực.

Vụ việc một lượng lớn dầu thải bị đổ trộm gây ô nhiễm suối Trầm, suối Bằng ở xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), kéo theo hệ lụy hàng chục nghìn hộ dân ở Thủ đô Hà Nội phải dùng NSH “bẩn” đầu tháng 10/2019 là lời cảnh báo. Lâu nay, việc xây dựng các công trình cấp NSH đều lấy nguồn từ khe suối đầu nguồn. Điều này đặt dấu hỏi lớn về an ninh nguồn nước cho người dân miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo. 


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.